Hà Nội

Lỗ hổng “khủng” trong thương mại điện tử

06-04-2013 19:15 | Thời sự
google news

Ngày nay, thương mại điện tử trở thành một nhu cầu quan trọng trong đời sống xã hội, tuy nhiên, đi cùng với sự bùng nổ nhanh chóng thì thương mại điện tử cũng bộc lộ những bất cập như phát triển tự phát và thiếu hẳn sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Ngày nay, thương mại điện tử trở thành một nhu cầu quan trọng trong đời sống xã hội, tuy nhiên, đi cùng với sự bùng nổ nhanh chóng thì thương mại điện tử cũng bộc lộ những bất cập như phát triển tự phát và thiếu hẳn sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Đây chính là những “lỗ hổng” để xảy ra các vụ lừa đảo với số lượng người bị lừa rất lớn, thậm chí nhiều vụ việc kéo dài mới được cơ quan chức năng phát hiện gây bức xúc trong dư luận.

Nếu tính khoảng thời gian gần nhất thì trong 5 năm trở lại đây, giao dịch thương mại điện tử có bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, hoạt động này đang bộc lộ nhiều bất cập. Riêng năm 2012, hàng loạt vụ án lừa đảo qua mạng đã bị các cơ quan điều tra bóc gỡ, điển hình như vụ án MB24, Công ty Cổ phần đầu tư Tâm mặt trời, Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại dịch vụ Cộng đồng Việt...

Đơn cử như vụ Công ty Tâm mặt trời, đến khi bị cơ quan chức năng điều tra, công ty này đã lừa đảo gần 40 nghìn người dưới hình thức thành viên tham gia sở hữu gian hàng điện tử và được mua hàng với giá cực rẻ, trục lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Hằng (ở Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội - nạn nhân của việc mua hàng trên chợ thương mại điện tử) cho biết, đối với những sản phẩm mình thấy chất lượng không giống trên quảng cáo, thậm chí có sản phẩm như máy xay, thiết bị điện tử chị mua ngay lần sử dụng đầu tiên đã bị hỏng không dùng được. Chị Hằng chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của việc giao dịch trên, thậm chí, có nhiều người đặt hàng qua các gian hàng điện tử, đã chuyển tiền rồi nhưng không nhận được hàng, có bức xúc gọi điện thì không được giải quyết, gọi nhiều không nghe máy và không có ai trả lời.

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử đang bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, gây nên rất nhiều bất cập như nếu người kinh doanh không xuất hóa đơn, không kê khai sẽ rất khó định khoản thu gây thất thu thuế của Nhà nước và nhiều người tiêu dùng tiền mất tật mang khi tiến hành giao dịch thương mại điện tử. Các kiểu lừa đảo phổ biến như: góp vốn sở hữu gian hàng ảo, huy động vốn đa cấp, bán hàng hóa chất lượng không giống như quảng cáo. Ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, rất nhiều người tiêu dùng không biết được nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ của mình ở đâu vì chỉ giao dịch qua mạng, đến khi xảy ra vấn đề thì người tiêu dùng không biết đến chỗ nào, gọi đến đâu để xử lý.

Với khoảng 30% dân số sử dụng internet, Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng to lớn của thương mại điện tử, đặc biệt là bán hàng trực tuyến. Có nhiều nguyên nhân khiến giao dịch thương mại điện tử thiếu an toàn, trong đó phải kể đến hành lang pháp lý quy định về giao dịch này hiện nay còn  chồng chéo. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý hữu hiệu ngay từ bây giờ thì trong tương lai không xa, khi các giao dịch thương mại qua mạng ngày càng phổ biến, việc kiểm soát và minh bạch hóa loại hình hoạt động này sẽ càng khó kiểm soát.          

  Phạm Dũng


Ý kiến của bạn