Hà Nội

Lô hội - Cây thuốc quý

SKĐS - Lô hội còn có tên là nha đam, long tu, lưỡi hỗ... Tên khoa học: Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh, trong chế biến món ăn, mỹ phẩm và làm thuốc.

Lô hội còn có tên là nha đam, long tu, lưỡi hỗ... Tên khoa học: Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh, trong chế biến món ăn, mỹ phẩm và làm thuốc. Lô hội là nhựa cây nha đam. Nên chọn nhựa khô có sắc đen hoặc đen nâu, hơi có ánh bóng, cứng, không lẫn tạp chất là tốt.

Lô hội chủ yếu có chứa chất antraglycozit, chủ yếu là aloin. Nhựa chứa acid amin, vitamin (B1, B2, B5, B6, B12, axít folic, C, A, E); khoáng tố vi lượng (Na, K, Ca, P, Cu, Fe, Zn, Mg, Mn, Cr)… Theo Đông y, lô hội vị đắng, tính hàn. Vào kinh can, tỳ, vị, đại trường. Có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, mát gan, sát trùng, thường dùng làm thuốc xổ trị táo bón, chữa viêm loét dạ dày, làm lành vết thương, bệnh ngoài da, thông kinh nguyệt, sỏi niệu, đái tháo đường... Dùng ít tác dụng kiện vị, mỗi lần uống 0,01 - 0,03g. Dùng nhuận trường, mỗi lần uống 0,06 - 0,2g. Dùng xổ, mỗi lần  1 - 2g. Sau đây là một số cách dùng lô hội làm thuốc:

Trị cam, sát trùng, hòa vị, chỉ tả

Dùng bài:  Lô hội hoàn: lô hội 40g,  hạc sắt 40g, lôi hoàn 40g, mộc hương 40g, thanh đại 40g, thuyền thoái 20 cái, vu di 40g, xạ hương 4g. Các vị tán bột làm hoàn, ngày uống 2 - 4g.

Lô hội có tác dụng với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trị táo bón, tiểu bí do nhiệt kết

Dùng bài: Lô hội thông tiện giào hoàn: lô hội 6g. Nghiền nát, phân ra cho vào 6 viên nang nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 3 viên nang. Nếu không có viên nang, dùng đường trộn với thuốc, ngậm nuốt dần. Tác dụng: thanh nhiệt, thông lâm..

Trị ghẻ lở, lở loét hậu môn

Dùng  bài: Lô hội tán: lô hội 30g, cam thảo 15g. Tán bột. Dùng nước đậu hũ rửa chỗ loét rồi đắp thuốc vào.

Trị can đởm thực nhiệt gây ra táo bón, tiểu đỏ, ít, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì co giật, phát cuồng, nói nhảm.

Dùng bài: Đương quy lô hội hoàn: lô hội, đại hoàng, thanh đại (thủy phi) mỗi thứ 4g; đương quy, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, hoàng bá, hoàng liên mỗi thứ 6g; mộc hương 5,5g, xạ hương 0,3g (để riêng). Các vị tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 10g, ngày 3 lần.

Trị cam nhiệt, giun đũa: lô hội 15g. Tán bột, mỗi ngày uống 6g lúc đói với nước  ấm.

Mụn nhọt: lá lô hội tươi giã nát, đắp lên mụn nhọt.

Trứng cá: lá lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.

Đái tháo đường: lá lô hội 20g. Sắc uống ngày 1 thang (có thể uống sống).

Tiểu đục: lô hội tươi 20g giã nát, thêm đạm qua tử nhân 30 hạt, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. Có thể dùng hoa lô hội 20g nấu với thịt lợn ăn.

Tiêu hóa kém: lô hội 20g, bạch truật 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.

Viêm loét tá tràng: lô hội 20g, dạ cẩm 20g, nghệ vàng 12g (tán bột mịn), cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Nếu ợ chua nhiều, thêm mai mực tán bột 10g chiêu với nước thuốc trên. 15-20 ngày là 1 liệu trình.

Bế kinh, đau bụng kinh: lô hội 20g, nghệ đen 12g, rễ củ gai 20g, tô mộc 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1thang, chia 2-3 lần.

Lưu ý:

- Lô hội có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy, nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.

- Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi.

- Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược không được dùng.


Lương y: Minh Phúc
Ý kiến của bạn