Lò gạch thủ công vẫn... “xông” khói

31-10-2016 08:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Thị trấn Yên Lạc là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đi dọc địa bàn thị trấn, kể cả trong các ngõ ngách có rất nhiều nhà cao tầng, cửa hàng, đại lý, dịch vụ nối đuôi nhau khá sầm uất và sôi động.

Thị trấn Yên Lạc là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đi dọc địa bàn thị trấn, kể cả trong các ngõ ngách có rất nhiều nhà cao tầng, cửa hàng, đại lý, dịch vụ nối đuôi nhau khá sầm uất và sôi động. Tuy nhiên, đến phía cuối thôn Đông, trên cánh đồng Nắng thuộc thôn Trung, thị trấn Yên Lạc (giáp với xã Nguyệt Đức) có hàng chục lò gạch thủ công vẫn hoạt động, cột khói lò gạch thủ công vẫn “xông” bình thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe và đời sống của người dân.

Khu đất mà các chủ lò gạch thôn Đông, thị trấn Yên Lạc  làm lò gạch thủ công nằm ngay trên tuyến đường tỉnh lộ 303, là khu đất ruộng vụ chiêm thì không có nước, vụ mùa thì ngập úng, được các chủ lò gạch thuê lại của người dân để sản xuất từ hàng chục năm nay. Gạch mà các lò này đốt ra là gạch chỉ đặc, phục vụ nhu cầu xây dựng không chỉ trên địa bàn huyện Yên Lạc mà cho cả một số huyện, thị lân cận. Quy trình sản xuất gạch được làm khép kín tại vị trí. Chở đất, than, củi về đó làm và chở gạch đi bán cho người tiêu dùng. Mỗi lần đốt, một lò cho ra từ 15-20 nghìn viên gạch. Những lúc nhu cầu cần gạch xây dựng nhiều, các lò gạch sản xuất hết công xuất cần từ 20-25 lao động, những lúc gạch ế ẩm thì chỉ có từ 4-5 người. Ngoài chiếc máy đùn gạch cũ xỉn, còn lại toàn bộ hoạt động của lò gạch rất thủ công; từ vận chuyển, xếp gạch, đốt lò. Khi vận chuyển vật liệu như than, củi, đất chủ yếu sử dụng xe công nông, xe tự chế 3- 4 bánh.

lo gachLò gạch thủ công vẫn xả khói gây ô nhiễm môi trường.

Tác hại của việc đốt gạch bằng lò thủ công thì chỉ nhìn mắt thường cũng đã thấy. Mỗi lần đốt gạch, các cột khói đen xì bay lên, khói tỏa xuống các cánh đồng lúa, hoa màu, bay vào khu dân cư. Không những thế mà quá trình vận chuyển nguyên vật liệu đã làm ảnh hưởng đến môi trường và hỏng hệ thống đường, kết cấu hạ tầng giao thông. Ngày ngày người dân sống gần khu vực lò gạch thủ công hoạt động luôn “được hưởng” bầu không khí ô nhiễm từ khói, bụi, tiếng ồn. Lợi nhuận từ việc đốt lò gạch thủ công đem lại chỉ có một nhóm người là chủ lò gạch được hưởng. Nhưng về lâu dài hậu quả của nó để lại rất nặng nề không chỉ về môi trường, sức khỏe, sự an toàn tính mạng của chính những lao động phổ thông trong các lò gạch và người dân bên vệ đường mỗi khi có xe cộ chở vật liệu chạy qua.

Chính quyền thị trấn Yên Lạc và huyện Yên Lạc đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các chủ lò gạch ở thôn Đông dẹp bỏ, không được đốt gạch thủ công nữa. Hiện đã cắt toàn bộ điện trong khu vực lò gạch thủ công hoạt động. Tuy nhiên, một số lò gạch vẫn chưa chịu hợp tác với cơ quan chức năng, vẫn sản xuất và đốt gạch thủ công.

ông Phạm Văn Lợi - một chủ lò gạch thủ công thổ lộ: “Đã nhiều lần được chính quyền địa phương đến tuyên truyền, nhắc nhở tháo dỡ lò gạch. Nhưng vì chúng tôi đầu tư vào đây số vốn quá lớn, đến hàng tỉ đồng, nên cho chúng tôi thêm thời gian để làm nốt số vật tư còn lại, sau đó sẽ tháo dỡ dừng hoạt động”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc cho biết: “Trên cánh đồng Nắng thuộc thôn Trung hiện còn chục lò gạch thủ công. Chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều nhưng một số chủ lò gạch chưa chấp hành. Thời gian tới khi kiện toàn xong bộ máy chính quyền chúng tôi sẽ cưỡng chế, san gạt toàn bộ khu đất có lò gạch thủ công hoạt động, quy hoạch khu đất này vào việc khác”.


Bài và ảnh: Đào Duy Tuấn
Ý kiến của bạn