Hà Nội

Lộ diện thủ phạm đầu độc sông Nhuệ

22-04-2011 07:26 | Thời sự
google news

Mới đây nhất, Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội vừa phát hiện, bắt quả tang một cơ sở sản xuất bột giấy xả nước thải chứa hóa chất độc hại, chưa qua xử lý ra sông Nhuệ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Báo SKĐS đã không ít lần phản ánh về thực trạng ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ (Hà Nội), vấn đề này gây bức xúc cho người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là người dân dọc hai bên bờ sông. Mới đây nhất, Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội vừa phát hiện, bắt quả tang một cơ sở sản xuất bột giấy xả nước thải chứa hóa chất độc hại, chưa qua xử lý ra sông Nhuệ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vừa xả trộm nước thải độc hại vừa vi phạm Luật Đê điều

Thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội cho biết, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, cơ quan công an đã phát hiện cơ sở sản xuất bột giấy của ông Lê Văn Hoàn (SN 1956), ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Nhuệ. Để làm rõ vi phạm này, Phòng Cảnh sát môi trường, phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên nước (TTQT&PTTNN) - Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở này. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải trong quá trình sản xuất bột giấy chứa hóa chất độc hại, chảy lênh láng khắp khu vực xưởng. Lượng nước thải này chảy theo các rãnh thoát nước, chảy vào một đường ống ngầm, chạy xuyên qua thân đê và xả thẳng ra sông Nhuệ. Đặc biệt, cơ sở này còn có dấu hiệu vi phạm Luật Đê điều, khi lắp đặt 1 đường ống thoát nước thải xuyên qua thân đê mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, tại khu vực để hóa chất, việc bảo quản được thực hiện rất sơ sài, không đúng quy định. Vỏ thùng hóa chất sử dụng không thu gom, xử lý theo quy định mà lại được bán cho những người thu mua đồng nát.

 Ống xả nước thải đen ngòm của cơ sở sản xuất bột giấy xả thẳng ra sông Nhuệ.

Ý thức, trách nhiệm nằm ở đâu?

Qua khai nhận với cơ quan công an, ông Lê Văn Hoàn – chủ cơ sở vi phạm cho biết, cơ sở bắt đầu hoạt động đầu năm 2010. Ban đầu, cơ sở này chỉ đi thu gom mùn phế liệu của các nhà sản xuất tăm hương xung quanh để đem bán. Xưởng sản xuất bột giấy thô hoạt động từ cuối năm 2010 đến nay, với quy trình sản xuất như sau: Nguyên liệu làm bột giấy - là tre, nứa thừa trong quá trình sản xuất mây tre đan, sau khi được cơ sở thu gom về sẽ cho vào 5 lò ủ, trong khoảng 3 ngày. Để làm trắng nguyên liệu, công nhân cho vào mỗi bể ủ 1 tạ hóa chất NaOH. Ủ xong, nguyên liệu được chuyển sang máy nghiền, thành bột giấy thô. Sản phẩm này được cơ sở bán cho một số doanh nghiệp sản xuất giấy tại Phú Thọ và Quảng Ninh.

Kiểm tra thực địa, cơ quan chức năng cho biết, lượng nước thải được xả thẳng ra sông Nhuệ với lưu lượng khoảng 10m3/ngày. Khu vực sông Nhuệ chảy qua trước xưởng giấy có màu đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Ngoài ra, cơ sở bị phát hiện xả nước thải chưa qua xử lý ra  mương thoát nước chung nằm gần cạnh xưởng. Trước tình hình trên, TTQT&PTTNN đã lấy các mẫu nước thải tại xưởng sản xuất bột giấy để tiến hành phân tích nhanh. Kết quả cho thấy, nước thải của cơ sở này là hóa chất ngâm ủ mùn bao gồm nước cất và sút (NaOH) với tỉ lệ đậm đặc 99%. Với 4 thùng ngâm ủ, mỗi tháng, cơ sở xả ra sông 3 tấn hóa chất. Đại diện TTQT&PTTNN còn cho biết, NaOH không phải là hóa chất độc hại. Thế nhưng, khi hòa vào môi trường nước với hàm lượng cao sẽ khiến thay đổi nồng độ pH trong nước, gây độc hại cho sức khỏe con người và hệ thống sinh thái động thực vật. Trước sai phạm này của ông Lê Văn Hoàn, Phòng CSMT, CATP Hà Nội đã lập biên bản, đồng thời chờ kết quả tiếp tục phân tích mẫu nước thải của TTQT&PTTNN. Trên cơ sở kết quả đó, cơ quan chức năng sẽ đưa ra hình thức xử lý đối với cơ sở này.

Có thể nói sự thiếu ý thức của chủ cơ sở đã làm ô nhiêm dòng sông Nhuệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của người dân khu vực này, do đó cần được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, có biện pháp răn đe, xử lý nghiêm minh, góp phần trả lại môi trường trong lành cho dòng sông Nhuệ và người dân nơi đây. 

Bài & ảnh: Anh Nguyên


Ý kiến của bạn