Trước đó vào ngày 20/12, một vụ lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, thuộc miền Nam Trung Quốc chôn vùi 33 tòa nhà. Theo các phương tiện truyền thông, đất đá đã bao phủ cả một vùng rộng lớn lên tới 20.000m2. Đây được coi là thảm họa công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc. Thông tin trước đó cho rằng chỉ có 59 người mất tích, hiện con số này đã tăng lên 91 người, trong đó có 59 đàn ông và 32 người là phụ nữ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ra lệnh điều tra chính thức vụ thảm họa ở thành phố Thâm Quyến. Trước đó 4 tháng, vụ nổ hóa chất khổng lồ ở các cảng phía bắc Thiên Tân đã làm hơn 160 người thiệt mạng cũng gây ám ảnh cho người dân Trung Quốc về việc thiếu an toàn ở các khu công nghiệp.
Bộ đất đai và tài nguyên Trung Quốc cho biết, lở đất là do sự tích tụ các chất bùn thải xây dựng quá dốc, số lượng lớn các chất thải xây dựng của các vùng lân cận đều tập trung tại đây. Việc tích lũy chất bùn thải này lại không được sự quản lý, gây ra sự mất ổn định của đất dẫn đến sự sụp đổ của các tòa nhà.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho chính quyền tỉnh bằng mọi phương tiện tham gia cứu hộ nhằm giảm thiểu thương vong, lo cho những người bị thương cũng như những người đnag phải đi sơ tán.
Chính phủ Trung Quốc đã gửi một nhóm cứu hộ bao gồm hơn 500 nhân viên cứu hỏa và 30 con chó cứu hộ, tham gia đào bới đống đổ nát tìm người sống sót. Tuy nhiên khả năng tìm được người sống trong vụ lở đất là rất mong manh.
Theo Tân hoa xã cho biết, trong số các tòa nhà bị san phẳng có 14 nhà máy, 13 tòa nhà thấp tầng, 3 ký túc xá. Hiện chỉ có 14 người được cứu thoát, hơn 900 người được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm vào tối 20/12.
Dư luận Trung Quốc lại một lần nữa đặt câu hỏi về tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra tai nạn ở các khu công nghiệp luôn rình rập người dân.
Một số hình ảnh sau vụ lở đất và công tác cứu hộ: