Mời độc giả xem video chương trình:
LỄ TỔNG KẾT, TRAO GIẢI CUỘC THI VIẾT “SỰ HY SINH THẦM LẶNG” LẦN THỨ V
Tham dự chương trình tri ân các thầy thuốc lần thứ V có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo; Đồng chí Nguyễn Thanh Long - Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Trương Quốc Cường - Thứ Trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đồng chí Trần Sĩ Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; các thành viên Hội đồng giám khảo, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể, Vụ, Cục của Bộ Y tế, các thầy thuốc tiêu biểu, những cây bút chuyên và không chuyên và đông đảo bạn đọc thân thiết của báo SK&ĐS.
Đêm tôn vinh, tri ân người thầy thuốc được mở màn bởi một phóng sự về cuộc chiến Phòng, chống dịch COVID-19. Đó là cuộc chiến nhiều gian truân, có những hy sinh, có những nhọc nhằn nhưng rất đỗi tự hào – Cuộc chiến đấu mà cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc và đưa đến những thành quả chống dịch như ngày hôm nay. Chỉ có 5 phút phóng sự ngắn ngủi nhưng đã khái quát lên một nước Việt Nam đồng lòng tham gia chống dịch. Clip có lẽ đã không chỉ lấy đi nước mắt của bao người có mặt tại khán phòng mà còn của hàng triệu khán giả đang theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp.
Mỗi cán bộ y tế hãy cùng nhau đoàn kết, đổi mới, tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp, chân giá trị cao quý của ngành
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xúc động cho biết, cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” mà báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức tới nay đã được 5 lần, là nhịp cầu mang đến với công chúng những tấm gương thầy thuốc đang lặng lẽ tỏa sáng, góp phần khẳng định rằng những phẩm chất cao đẹp của ngành y như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, tinh thần nhân ái vẫn đang và sẽ tiếp tục đồng hành trong ý thức và việc làm hàng ngày của mỗi thầy thuốc. Bộ Y tế đánh giá cao báo Sức khỏe & Đời sống, Đài truyền hình Việt Nam cùng các nhà tài trợ đã phối hợp xây dựng chương trình đầy ý nghĩa và nhân văn này.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, hơn nửa năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúng ta đã sát cánh cùng các cấp, các ngành và cùng với người dân cả nước trải qua những thời khắc cam go trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong cuộc chiến này đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy thuốc đã làm việc quên ăn, quên nghỉ, từ những người làm y tế dự phòng sẵn sàng lao mình vào các ổ dịch, các y bác sĩ tận tụy điều trị các bệnh nhân nặng, tới những người miệt mài trong các phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm, nuôi cấy và phân lập virus. Những người chiến sỹ áo trắng đã chiếm được lòng tin yêu trọn vẹn của nhân dân, đóng góp tích cực vào thắng lợi bước đầu của cả đất nước trong cuộc chiến chống Covid-19, được bạn bè cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Với thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta không được phép quên ngành y tế còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Chúng ta cần đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động của ngành; nâng cao chất lượng mọi mặt của ngành để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Ngành sẽ tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường kỷ cương; đẩy mạnh cải cách; thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết và hỗ trợ giữa các cơ sở y tế, giữa các cán bộ y tế trong toàn tuyến; nâng cao hơn nữa chất lượng, sự thuận tiện trong khám chữa bệnh bảo đảm người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại y tế cơ sở; Đổi mới căn bản việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ người dân một tốt hơn.
Quyền Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc gì có lợi cho dân thì chúng ta ra sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh, Mỗi cán bộ y tế trong toàn ngành hãy cùng nhau đoàn kết, đổi mới, tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp, chân giá trị cao quý của ngành, trau đồi trí thức, đúc rút kinh nghiệm phục vụ người dân ngày một tốt hơn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân trong tình hình mới;
Bộ Y tế đánh giá cao báo Sức khỏe&Đời sống, Đài truyền hình Việt Nam cùng nhà tài trợ đã phối hợp xây dựng chương trình đầy ý nghĩa và nhân văn này.
Những bác sĩ điều trị và dự phòng trong cuộc chiến chống dịch COVID…
Trong cuộc chiến chống COVID-19, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị của toàn dân thì ngành y tế chính là lực lượng tiên phong. Trong đó tiêu biểu là khối điều trị, khối dự phòng… Qua phóng sự về sự tận tâm chăm sóc cứu chữa bệnh nhân của khối điều trị đã cho khán giả được nhìn toàn cảnh về công tác chăm sóc và điều trị các bệnh nhân COVID-19. Hàng loạt bệnh nhân khỏi bệnh từ em bé sơ sinh 16 tháng tuổi đến những bệnh nhân tưởng như tử thần đã gọi sẵn như BN91, BN19… Và, kết thúc phóng sự là hình ảnh Bộ Y tế tiễn BN91 về nước, BN91 nói lời “Cảm ơn Việt Nam” là hình ảnh tự hào và xúc động mãnh liệt nhất.
Đại diện cho hàng triệu y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, tại buổi giao lưu tri ân, tôn vinh người thầy thuốc đêm nay, BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân COVID-19 và GS.TS Nguyễn Gia Bình – chuyên gia hàng đầu về Hồi sức tích cực, thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COIVD-19 diễn biến nặng nguy kịch đã có những chia sẻ chân thực nhất về cuộc chiến chống đại dịch lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người này.
BS. Đồng Phú Khiêm: Cho đến bây giờ nhìn lại thời gian qua có rất nhiều thời điểm khó khăn, nhưng thời điểm khó khăn nhất là khi cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân. Với những người làm trong chuyên ngành Hồi sức như chúng tôi thì việc phải cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân là việc thường xuyên phải làm, nhưng khoảnh khắc cấp cứu cho BN19 cực kỳ ấn tượng vì đây là một bệnh nhân đặc biệt. Chúng tôi điều trị BN với sự áp lực rất lớn, đó là sự dõi theo của cả công đồng với sự kỳ vọng lớn như tinh thần của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ trong buổi hội chẩn chuyên môn với chúng tôi: "Cứu chữa một bệnh nhân nặng này không chỉ là cứu chữa một người bệnh mà nó còn đem lại niềm tin, sự tin tưởng rất lớn tạo niềm tin cho nhân dân mình yên tâm cũng như tích cực hơn trong công tác tham gia chống dịch". Và, tình huống mà BN ngừng tuần hoàn trong đêm mà trước đó tình trạng BN đã tiến triển hơn. Thầy trò cũng mừng hơn, đã chúc mừng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, khoảnh khắc trong đêm đó thật khó quên.
BTV Hoài Anh: Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã thành lập Tiểu ban điều trị và mời các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ các BV đang điều trị bệnh nhân COVID, là một người tham gia trong nhóm cố vấn, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Tiểu ban này?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Tôi tỏ lòng biết ơn của một nhân viên ngành y tế tới toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cùng chung chí hướng đã ngăn chặn rất thành công, khoanh vùng, dập dịch đẩy lùi đại dịch COVID -19 . Như chúng ta đã biết nếu với tiềm lực kinh tế của chúng ta mà để xảy ra nhiều ca bệnh thì rất khó để "chống đỡ". Ví dụ như các nước châu Âu với giường bệnh, máy móc, con người hùng hậu nhưng cuối cùng lại để quá tải. Như trung tâm thành phố New York tỷ lệ tử vong tới 25%. Trong hệ thống bệnh viện chúng ta thường quá tải, nếu xảy ra lực lượng bệnh nhân lớn thì tử vong tăng lên.
GS.TS Nguyễn Gia Bình và Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Hai nhân vật giao lưu của Chương trình.
Bệnh dịch xảy ra mới, chúng ta chưa nhận định được, có lẽ sau 100 năm nay từ đại dịch Cúm 1914-1918 với số lượng mắc khoảng 30 -50 triệu thì dịch này đến ngày hôm nay đã hơn 15 triệu người mắc. Bệnh học chúng ta đều chưa hề biết nên Bộ Y tế đã thành lập Tiểu ban điều trị tập hợp các bác sĩ có tâm huyết, có những bác sĩ không có tên cũng tham gia, ngoài ra còn có các vị lãnh đạo quản lý cũng trực tiếp tham gia. Chúng tôi đưa ra ý kiến bàn thảo khác nhau, nhận diện đầy đủ bệnh này diễn biến thế nào chúng ta đề ra chiến lược điều trị hợp lý có tham khảo kinh nghiệm ý kiến quốc tê và có chọn lọc. Ví dụ, thế giới người ta "cãi nhau" đeo khẩu trang không có tác dụng, nhưng ở Việt Nam chúng ta xác định luôn, đã xác định bệnh lây qua đường hô hấp thì phải đeo khẩu trang. Tiếp đến là điều trị cho bệnh nhân, vì bệnh nhân mới nên chúng ta lựa chọn phương pháp điều trị có lợi, hiệu quả và khả thi cho bệnh nhân thì chúng ta làm. khi nào gặp tình huống khó khăn chúng ta bàn thảo suốt đêm ngày để đưa ra chiến lược điều trị kịp thời, đó là bí quyết thành công.
Để làm lên thành công không chỉ của cuộc chiến chống COVID-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác, còn một lực lượng y tế luôn thầm lặng “đi trước về sau” đó là những y bác sĩ y tế dự phòng. Trong chương trình này, khán giả cũng được chứng kiến những vất vả của đội ngũ y tế dự phòng trong quá trình ngăn chặn dịch bệnh nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại dịch chồng dịch như hiện nay. Đội ngũ y tế dự phòng nói riêng, toàn dân nói chung vẫn cảnh giác cao độ, tiếp tục có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 2...
Những nguyên mẫu trong đời thực
Bác sĩ Nay Blum – Gia Lai, người chuyên đi làm “cách mạng” xóa hủ tục, người “nhịn đẻ” vì sự tiến bộ cộng đồng.
Bác sĩ Blum và H’Nơn thành vợ chồng, cùng bước vào ngành y gần 30 năm nay với một khát vọng quên hạnh phúc riêng để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người dân địa phương ví họ là cánh chim không mỏi giữa đại ngàn, là người chuyên đi làm “cách mạng” xóa hủ tục, người “nhịn đẻ” vì sự tiến bộ cộng đồng.
Gần 30 năm chạy bộ rồi đi xe đạp, xe máy, vợ chồng bác sĩ Blum tìm đến ăn ở cùng các buôn sâu chữa bệnh giúp họ thấm nhuần triết lí: “Khỏi bệnh là do y học, khỏe mạnh, lớn khôn là do nuôi dưỡng, chăm sóc,giáo dục”.
Trong hành trình bền bỉ, họ “nhịn đẻ”, “cược” với cộng đồng Tây Nguyên nhận một đứa trẻ sinh non bằng bắp tay, sắp bị đưa đi chôn sống về cứu chữa và nuôi. Cháu bé khỏe, buôn làng phải bỏ hẳn hủ tục. Rồi khi biết nhiều nơi đang lùa đuổi ba đứa trẻ mắc bệnh phong, bệnh lao vào núi thẳm, thoi thóp trong đói rét, vợ chồng Blum lại bán nốt chiếc xe máy là của hồi môn để mua sữa và thuốc tốt nhất cứu chữa, nhận những đứa trẻ này làm con. Bằng y học, họ chứng minh rõ “con hủi”, con vi-rút lao không có chân, có cánh bay khắp nơi trong cộng đồng. Nó không phải là “ngọn gió độc” mang “thần chết” reo rắc khắp nơi như mọi người vẫn nghĩ. Từ đó khắp Tây Nguyên không kỳ thị người bệnh phong, bệnh lao. Tất cả những nạn nhân của hủ tục này giờ đều là con nuôi khỏe mạnh của vợ chồng bác sĩ Blum.
Từ khi chưa có cơ chế xếp lương (năm 1991-1995) vợ chồng bác sĩ Blum đã khước từ mọi lời mời ở chốn phồn hoa để xung phong bám buôn làng chữa bệnh không lương và hiến gần hết đất gia đình cho Nhà nước làm vườn thuốc nam. Hàng ngàn ca đỡ đẻ, ca tiểu phẫu hai người đã thực hiện dưới ánh sáng lửa củi, ánh trăng…nhưng đều không có biến cố nào xảy ra vì họ đều tâm niệm “người bệnh.
BTV Hoài Anh: Chúng tôi được biết cách đây 25 năm bác sĩ đã cứu sống 1 đứa trẻ đang bị chôn sống theo mẹ. Bác sĩ Nay Blum có thể chia sẻ lại khoảnh khắc lúc đó với chúng tôi được không?.
Cách đây 30 năm, hai vợ chồng biết được tin có một trẻ sinh ra nhưng không may người mẹ qua đời, thực sự lúc đó cũng không biết làm như thế nào, mình cũng mới 26 tuổi. Hai vợ chồng đến nơi thì bà mẹ bị băng huyết, nhìn sản phụ toàn thân tím tái, băng huyết, máu đẫm chăn chiếu, mạch đã ngừng đập. Ông bà ngoại bàn bạc lấy đứa trẻ để chôn theo mẹ. Là một bác sĩ ngành y nhưng cảm xúc của tôi lúc đó là không biết làm thế nào để cứu đứa trẻ. Tôi xin gia đình cho nuôi đứa trẻ nhưng bà ngoại đứa trẻ lấy cái cắt cỏ đâm vào đầu đứa trẻ và tôi phải khâu mấy mũi cho trẻ. Tôi mong muốn bỏ phong tục tập quán lạc hậu đó và cho phép tôi được nuôi trẻ. Là bác sĩ ngành y được đi học, tôi giải thích cho đồng bào không theo những hủ tục đó
Bác sĩ Nay Blum
BTV Hữu Bằng: Chúng tôi được biết, trong năm đứa con của anh chị chỉ có một người là con ruột và 4 người là con nuôi, là nhữngđứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trong khi ở buôn làng có rất nhiều hủ tục việc giữ lại những đứa trẻ này nuôi có gặp phải những khó khăn gì không?
H'Nơn: Đứa trẻ mà vợ chồng tôi xin nuôi cách đây 25 năm giờ đã có gia đình, vợ chồng chúng tôi cho cháu đi học hết lớp 12 rồi cháu đi học đi học lớp trung cấp bảo vệ động vật, hiện nay cháu đã có gia đình và có một bé 3 tuổi.
Nói về những khó khăn khi nhận nuôi các cháu thì không có gì có thể kể hết, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao để nuôi các cháu được hạnh phúc, đoàn kết yêu thương. Các cháu thì có hoàn cảnh khác nhau, nhiều khi đứa con ruột cũng thắc mắc với hàng xóm liệu có phải là con đẻ hay không. Trong đó có một cháu bị thiếu máu não, thỉnh thoảng có lên cơn động kinh. Vợ chồng tôi mong muốn xã hội dành tình cảm yêu thương các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ mong muốn xã hội không còn những hủ tục như vậy nữa.
H'Nơn người đồng hành cũng là vợ của bác sĩ Nay Blum
Khi vợ chồng nhận những đứa trẻ về nuôi thì bà con trong buôn làng ngăn cản vì bao thế hệ, dân làng đều nghĩ con hủi có cánh, có chân sẽ lan nhanh trong cộng đồng. Thấy rất thương những đứa trẻ quá vì đến làng nào là bị đuổi khỏi làng.
Trong cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng lần thứ V, một nhân vật trong tác phẩm đoạt giải cũng gây ấn tượng sâu sắc với không chỉ Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi mà còn với bạn đọc cả nước là bác sĩ Hồ Văn Hoài - người được coi là “người vác tù và hàng tổng”. Một bác sĩ của trạm y tế xã Phú Lý, thuộc tỉnh Đồng Nai nhưng đã mạnh dạn đẩy mạnh y tế 4.0 trong hoạt động khám chữa bệnh (Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, Hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4; Khám chữa bệnh từ xa, App NCOVI...). Bác sĩ Hồ Văn Hoài đã tự bỏ tiền lắp internet cập nhật thông tin y tế, Tự lập một website riêng cho Trạm y tế xã Phú Lý, Đồng Nai nhằm đưa thông tin y tế gần hơn, nhanh hơn và nhiều hơn đến với người dân.
Bác sĩ Hồ Văn Hoài (ngoài cùng bên phải) lên nhận giấy chứng nhận Nhân vật trong tác phẩm đoạt giải cùng nhà báo Phương Liễu
Đó còn là nhà khoa học Nguyễn Thuý Hoa, từ một cán bộ đại học chuyên ngành hóa, PGS.TS. Nguyễn Thúy Hoa đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành, có nhiều đóng góp trong 39 năm công tác phòng chống dịch bệnh, trở thành một cán bộ chuyên môn, đoàn thể có uy tín và cán bộ quản lý xuất sắc. Nhiều dự án do PGS.TS. Nguyễn Thúy Hoa chủ trì, tham gia đều đi vào cuộc sống, mang nhiều lợi ích cho công tác phòng chống dịch trong cộng đồng. Cùng với các thầy thuốc của ngành y học dự phòng, PGS.TS. Thúy Hoa có rất nhiều ngày xa nhà, rong ruổi trên các nẻo đường công tác dài ngày với những ngày đêm chống dịch. Điển hình là công tác phòng chống dịch hạch trong những ngày hè năm 1978 ở Hà Nội, Quảng Bình, Hải Phòng, Nam Định; Dịch sốt xuất huyết ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, dịch SARS…
Còn và còn rất nhiều những y bác sĩ khắp mọi miền cả nước đang ngày đêm âm thầm lặng lẽ chăm sóc và bảo sức khoẻ nhân dân...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải tác giả và nhân vật tác phẩm giải Đặc biệt.
Các tác giả và nhân vật đạt giải trong cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng lần thứ V.
GIẢI NHẤT (01 giải)
Tác giả: Hà Văn Đạo
Tác phẩm: Như cổ tích giữa đại ngàn.
GIẢI NHÌ (02 giải)
1. Tác giả: Trần Giữu
Tác phẩm: PGS.TS. Nguyễn Thúy Hoa trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.
2. Tác giả: Nguyễn Phương Liễu
Tác phẩm: Bác sĩ Hồ Văn Hoài, người vác tù và hàng tổng.
GIẢI BA (03 giải)
1. Tác giả: Cao Thị Thùy Giang
Tác phẩm: Người giáo sư suốt đời không nguôi trăn trở với bệnh nhi.
2. Tác giả: Lâm Đức Hùng
Tác phẩm: Vị sĩ quan quân y kiên trung, giàu lòng nhân ái.
3. Tác giả: Lê Tuấn Lộc
Tác phẩm: Khoa đặc biệt.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH (09 giải)
1. Tác giả: Dương Hải
Tác phẩm: Nữ bác sĩ miệt mài giải mã gene của người Việt để chữa bệnh loãng xương.
2. Tác giả: Hồng Nguyên
Tác phẩm: Bác sĩ người Tày và khát vọng đem kỹ thuật cao về với người dân miền núi.
3. Tác giả: Đào Duy Tuấn
Tác phẩm: Từ mẫu của bệnh nhân tâm thần.
4. Tác giả: Hoài Hương
Tác phẩm: Một góc con người.
5. Tác giả: Khánh Mai
Tác phẩm: Gặp bác sĩ bảo lãnh cấp cứu.
6. Tác giả: Tuyết Trinh - Mỹ Nga.
Tác phẩm: Làm bác sĩ của bệnh nhân đặc biệt.
7. Tác giả: Nguyễn Quế
Tác phẩm: Ngày thứ bảy dành cho bệnh nhân nghèo.
8. Tác giả: Nguyễn Hoài Nhơn
Tác phẩm: Hành trình hướng thiện của một bậc chân tu.
9. Tác giả: Nhật Thắng
Tác phẩm: Chuyện những người hiến máu cứu người ở ngành y tế Hà Tĩnh.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH BỔ SUNG (05 giải)
1. Tác giả: Phạm Hiệp
Tác phẩm: Đêm đấu trí giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 từ tay “tử thần”.
2. Tác giả: Phạm Huyền
Tác phẩm: Những chiến sĩ thầm lặng nơi “đầu sóng”.
3. Tác giả: An Quý
Tác phẩm: Bức tường lửa giữa tâm dịch COVID-19.
4. Tác giả: Anh Văn
Tác phẩm: Chuyện về những người “đi trước, đón đầu”.
5. Tác giả: Khôi Nguyễn
Tác phẩm: “Đóa hồng nơi tuyến đầu chống dịch”.