Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm. Câu ca ấy đã đi vào tiềm thức của hàng triệu người con đất Việt hàng ngàn đời nay, ở mọi phương trời, trong mọi thời đại, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc hay địa vị xã hội. Nếu là nòi giống Tiên - Rồng thì phải biết hướng về cội nguồn, về ngày Giỗ Tổ. Đấy là đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt ta có từ hàng ngàn đời nay.

“Con Lạc cháu Hồng” nô nức về Giỗ Tổ Hùng Vương.
Hướng về nguồn cội
Năm nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ Hội đền Hùng có một sự trùng lặp ngẫu nhiên là cũng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, hát vang bài ca khải hoàn và kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, nên người dân được nghỉ dài ngày hơn, có dịp nô nức kéo lên miền đất tổ tham dự ngày lễ trọng đại của quốc gia. Ngày giỗ Tổ và Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, nhưng có sự tham gia của của các tỉnh từ khắp ba miền Bắc- Trung- Nam là Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu, tạo nên những nét mới và điểm nhấn cho ngày Quốc giỗ.
Đấy cũng chính là sức mạnh cuốn hút và quy tụ khối địa đoàn kết dân tộc tron công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Hơn thế nữa đây còn là cơ hội tốt để giáo dục truyền thống yêu nước thương dân mà các Vua Hùng đã để lại cho cháu con hàng ngàn đời nay. Bởi lẽ Lễ Giỗ Tổ và Hội Đền Hùng bao giờ cũng là biểu tượng linh thiêng nhất về lòng tôn kính tổ tiên đối với mọi người dân mang dòng máu Tiên Rồng.
Từ cách đây chừng nửa thiên kỷ (hơn 500 năm) vào thời vua Lê Thánh Tông, giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng đã có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của các thế hệ người Việt Nam. Hiện nay, bản Ngọc phả còn lưu giữ tại Đền Hùnng ghi rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Cũng có lẽ vì thế mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta đã hai lần lên thăm Đền Hùng và thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng. Trong một lần đến thăm Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng, Bác đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn ấy đã trở thành mệnh lệnh của hàng triệu trái tim người Việt Nam và trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình đấu tranh dựng và giữ nước cũng như sự nghiệp xây dựng xả tắc vững bền.
Đến năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày Quốc giỗ vào 10 tháng 3 âm lịch hàng năm và được nghỉ lễ như các ngày lễ lớn khác của dân tộc. Đặc biệt, từ năm 2013, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm của nhân dân cả nước trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa mang tầm cỡ quốc tế phục vụ cho đời sống con người hôm nay và công cuộc dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Nét mới trong mùa Lễ- Hội năm nay
Phát huy truyền thống, Lễ - Hội năm nay sẽ được tổ chức trang nghiêm, hướng tới các giá trị cộng đồng rất sâu sắc và gắn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng nhằm tôn vinh Di sản thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Phần Lễ sẽ có các hoạt động không thể thiếu như: Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Mẫu Tổ Âu Cơ. Đấy là các hoạt động chính tại Đền Hùng. Ngoài ra còn có rước kiệu của các phường, xã vùng ven về Đền Hùng.
Phần Hội có nhiều hoạt động phong phú như được tổ chức tại ngay Khu di tích lịch sử Đền Hùng và nhiều địa điểm tại Thành phố Việt Trì như: Triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước về cung tiến Đền Hùng; Triển lãm sách tại Thư viện Tỉnh Phú Thọ. Trong không gian lễ hội còn có đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy liên tỉnh lần thứ X; hội trại văn hóa; chương trình biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh; Liên hoan dân ca và hát Xoan Phú Thọ cùng các hoạt động thể thao truyền thống; Biểu diễn của Đoàn nghệ thuật tỉnh Nara (Nhật Bản) tại trường Đại học Hùng Vương; Trình diễn hát Xoan cộng đồng và hát Xoan của các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc (sau 2 năm đào tạo, truyền dạy) tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức,...
Trong Liên hoan hát Xoan cho đối tượng là thanh niên trên địa bàn tỉnh, năm nay có sự tham gia của các kép Xoan nhí phường Xoan Kim Đới, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì với các tên tuổi như: Nguyễn Anh Hai, Nguyễn Quốc Vân, những người đã được khán giả biết đến bởi chất giọng mượt mà, lối dẫn cách và biểu diễn khá ăn nhập không thua kém là bao so với các đào kép chuyên nghiệp. Kép nhí Hai tâm sự: “Không phải ai biết hát Xoan là cũng được ra nhập phường Xoan ngay đâu, phải mất thời gian dài tập hát cho đúng điệu đúng vần rồi tập đi, tập đánh cách, đánh trống đến khi nào thành thục mới được trùm xoan cho đi biểu diễn”.
Còn kép nhí Vân lại cho hay: “Ông nội cháu đã khá vất vả khi truyền dạy lại cách đi, dẫn phách cho các kép trong đoàn nhưng không phải ai cũng thực hiện được bởi kết hợp cả ba động tác hát, đi, đánh rất khó. Có kép đi được nhưng đánh cách sai nhịp, có kép hát được đánh được nhưng đi không đúng. Cháu cũng tập luyện vất vả lắm mới có thể kết hợp được”.
Hát Xoan cũng là Di sản văn hóa phi vật thể đã được thế giới công nhận, nên có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngoài các nghệ nhân tên tuổi như trùm Ngũ, trùm Bảo, trùm Quyết,… và lớp trẻ kế cận đang tạo nên một thế hệ “Xoan mầm” tiếp nối truyền thống của cha ông để lại.
Đặc biệt, năm nay tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao vào hồi 21h30 ngày 7/3 năm Ất Mùi tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì và đã được truyền hình trực tiếp. Cũng trong dịp này, tỉnh Phú Thọ đã đăng cai Hội chợ Du lịch mở rộng năm 2015 với sự tham gia của 8 tỉnh miền núi Tây Bắc gồm: Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và Hiệp hội du lịch Phú Thọ, tỉnh Nara (Nhật Bản) và 13 huyện, thành, thị trong tỉnh.
Phú Thọ đã triển khai đồng loạt các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn lễ hội. Cụ thể như: tổ chức các phương án phân luồng giao thông; tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống hàng quán, loa đài, niêm yết giá bán hàng tại các hàng quán dịch vụ trong khu vực Đền Hùng, không để xảy ra tình trạng chèo kéo, chặt chém giá du khách. Việc bán hàng trong khuôn viên di tích được quy hoạch gọn gàng, tiện lợi, nơi trông giữ xe được bố trí rộng rãi.
Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng là Quốc giỗ và Quốc hội, vì thế, năm nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ cố gắng, quyết tâm hướng tới một Lễ- Hội mẫu mực về mọi mặt.
Đạt Thành