Sau 3 năm đại dịch COVID-19, ngành y tế gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, trong khi giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm…đặt lên trách nhiệm của mỗi giám đốc bệnh viện phải vừa duy trì tốt khám, điều trị và không để thiếu thuốc, vật tư y tế.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã ra nhiều văn bản gỡ vướng trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế từ đó giúp địa phương bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Tỉnh Yên Bái, là tỉnh miền núi, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tỉnh là rất lớn. Thống kê của BVĐK tỉnh Yên Bái cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, số lần khám bệnh là 116,766 lượt, đạt 86,5% kế hoạch năm, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022, số bệnh nhân điều trị nội trú ở mức cao.
Nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân đòi hỏi công tác cung ứng thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phải đáp ứng được nhu cầu điều trị.
Th.S.BS Diêm Sơn, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Yên Bái nói: Khó khăn trong đấu thầu thuốc và thiết bị y tế là không tránh khỏi.
Nhưng dù khó đến đâu, lãnh đạo bệnh viện vẫn phải cố gắng vượt qua, hạn chế đến mức thấp nhất việc thiếu thuốc cho người bệnh.
"Ban giám đốc BV đã tập trung nguồn nhân lực tốt nhất cho phòng, ban chuyên môn đảm trách công tác đấu thầu, cùng với hỗ trợ từ công nghệ thông tin để dự báo sát nhu cầu thuốc điều trị cũng như tính toán được tình hình thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế hiện có.
Không để thiếu thuốc mới tiến hành làm thầu, đó là quán triệt xuyên suốt đến Khoa Dược - đơn vị được giám đốc bệnh viện giao thực hiện làm thầu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế ", BS Sơn thẳng thắn nói.
Nói về khó khăn khi thực hiện đấu thầu mua sắm, vật tư y tế thời gian qua, DS Lê Trọng Thủy, Trưởng Khoa Dược, BVĐK tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2023 khoa đã tham mưu xây dựng gần 30 gói thầu, trong đó có nhiều gói phải thực hiện đến 4 lần mới lựa chọn được nhà thầu.
Lỗi không phải từ bệnh viện và các cơ quan quản lý nhà nước mà thực tế có những gói không không có nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu cung ứng, và có nhiều mặt hàng không có trên thị trường...
Vất vả với công tác chuyên môn, cán bộ Khoa Dược, BVĐK tỉnh Yên Bái cùng cán bộ chuyên môn bệnh viện lại phải ngồi lại "mổ xẻ", phải ngồi lại rút kinh nghiệm tìm lý do vì sao không thành công. "Đến nay, cơ bản chúng tôi đã cung cấp đủ thuốc cho người bênh", DS Thủy nói.
Để thực hiện thành công các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, BVĐK tỉnh Yên Bái đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
"Bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử hoàn toàn, kiểm soát số lượng vật tư y tế, hóa chất qua công nghệ thông tin. Đồng thời dự báo sát nhu cầu điều trị, dự đoán vật tư y tế sắp hết. Thuốc hiếm, thuốc đắt tiền đều phải có các phương án mua sắm khi cần thiết. Hóa chất, vật tư y tế trong kho chỉ còn 50%, Khoa Dược phải làm dần đúng quy trình các bước mua sắm, không đợi đến hết mới xây dựng gói thầu..."BS Diêm Sơn quả quyết.
Anh Tống Cảnh Thành (Yên Bình, Yên Bái), có người nhà đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Yên Bái, cho biết, đang có người nhà điều trị tại khoa, từ khi vào viện đến nay, thuốc, người bệnh đều được đáp ứng đầy đủ, bác sĩ đã cho chỉ định chụp CT.Scanne...chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi người nhà được điều trị tại đây.
Nói về việc linh hoạt trong mua sắm, thiết bị vật tư y tế của BVĐK tỉnh Yên Bái trong thời gian, BS Diêm Sơn cho biết thêm, bệnh viện luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Sở Y tế, các ban, ngành trong tỉnh.
Đặc biệt, từ tháng 6/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản số 1773 về trình tự mua sắm, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành của các ngành liên quan thuộc tỉnh nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt các gói thầu, từ đó rút ngắn thời gian chờ thẩm định để các cơ sở y tế chủ động được mua sắm, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho điều trị.
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh Yên Bái, kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua là sự điều phối nhịp nhàng giữa nơi thiếu và nơi đang có thuốc, vật tư y tế của Sở Y tế cũng như ngay mỗi bệnh viện để đạt mục tiêu cao nhất là người bệnh không thiếu thuốc điều trị.
"Khi thiếu thuốc cục bộ, các tỉnh cũng không nên đặt nặng vấn đề bệnh nhân của tôi, bệnh nhân của tỉnh anh mà cần phải có sự liên kết, hỗ trợ để người bệnh không phải điều trị quá xa nhà, không phải chuyển lên tuyến trung ương gây quá tải không đáng có", đại diện BVĐK tỉnh Yên Bái cho biết.