Hà Nội

Linh hoạt đưa học sinh trở lại trường, giữ an toàn sức khỏe cho cả thầy và trò

25-02-2022 20:13 | Xã hội

SKĐS - Chiều 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19.

Bộ GDĐT sửa đổi Sổ tay bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19Bộ GDĐT sửa đổi Sổ tay bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19

SKĐS - Bộ GD&ĐT xây dựng "Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học" trên cơ sở sửa đổi, bổ sung từ cuốn sổ tay được ban hành theo Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT.

Dự và chủ trì Phiên giải trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các mặt đời sống, KT-XH, đặc biệt là ngành Giáo dục khi kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh.

Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn…

Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.

Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập: trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần.

Cần đánh giá kết quả việc triển khai cùng lúc các phương thức dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19.

Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực; một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19 và đã thực hiện mở cửa trường học an toàn, thích ứng với thực tiễn. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Yêu cầu vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: "Chỉ còn 3 tháng nữa kết thúc năm học 2021-2022, còn nhiều vấn đề học sinh, phụ huynh quan tâm như việc thi, kiểm tra đánh giá phù hợp với thực tế hiện nay, yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm học sinh; vấn đề chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa, tiến độ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy học, an toàn cho học sinh trên môi trường mạng…".

"Đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác"

Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng quan tâm đến việc triển khai dạy học trực tuyến. Dạy và học trực tuyến được xác định là giải pháp quan trọng nhất khi học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19; cũng là hướng triển khai lâu dài của ngành Giáo dục trong lộ trình chuyển đổi số. Một số đại biểu cũng đặt câu hỏi về chất lượng của hình thức dạy học này, rộng hơn là chất lượng giáo dục khi triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: "Đây là thời điểm ngành Giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh rất lớn, dịch bệnh thời điểm này ngày càng phức tạp. Ngành Giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhất quán, toàn diện, bám sát thực tế và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai việc mở cửa trường học".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi Chính phủ chỉ đạo toàn ngành mở cửa trường học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đi kiểm tra tình hình triển khai tại các địa phương. Nắm bắt qua những chuyến kiểm tra này có thể thấy, được đi học trở lại là mong muốn rất lớn của học sinh, giáo viên, các cấp quản lý. Các địa phương cũng rất quan tâm xây dựng kịch bản, lộ trình, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện để quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học tập.

Khi học sinh quay trở lại học trực tiếp có phát sinh những khó khăn; trong đó có việc trường học cho học sinh trở lại nhưng chưa tổ chức bán trú tại trường dẫn tới khó khăn trong chăm sóc, đưa đón của phụ huynh; những lúng túng trong khoanh vùng xử lý ca F0, F1 trong trường học; thời gian cách ly, phương án chăm sóc cho các trường hợp nhiễm, việc test sàng lọc… Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT mới đây đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết việc đưa học sinh quay trở lại trường học dẫu đang có nhiều băn khoăn nhưng đó là xu thế chung và cần xác định về tư tưởng, đưa học sinh quay trở lại trường học là tất yếu, không thể khác.

Thực tế hiện nay, mặc dù dịch bệnh phức tạp, một số nơi phải quay lại học trực tuyến nhưng ở nhiều địa phương, lộ trình đưa học sinh đi học tiếp vẫn đang được tiếp tục.

"Khó có thể có một phương án toàn diện, đáp ứng mọi điều kiện, trong khó khăn cần chọn phương án nào khả dĩ hơn cả. Phương án hiện nay đang là linh hoạt với tình hình địa phương nhưng việc đưa học sinh trở lại trường học là kiên định, nhất quán" - tư lệnh ngành giáo dục cho biết.

Xem thêm video đang được quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C

ĐV
Ý kiến của bạn