Linh cảm

07-02-2013 20:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

Linh cảm, linh tính, giác quan thứ sáu… - người ta hay nói vậy về một khả năng kỳ diệu, có thật của hệ thần kinh não bộ con người. Đó là việc linh cảm trước điều sẽ xảy đến. Hiện tượng này xưa nay trong đời sống không phải là mới lạ, song khó lý giải thỏa đáng.

Linh cảm 1
Linh cảm, linh tính, giác quan thứ sáu… - người ta hay nói vậy về một khả năng kỳ diệu, có thật của hệ thần kinh não bộ con người. Đó là việc linh cảm trước điều sẽ xảy đến. Hiện tượng này xưa nay trong đời sống không phải là mới lạ, song khó lý giải thỏa đáng cho dù trình độ khoa học hôm nay đã có những phương tiện kiểm nghiệm rất tinh vi, hiện đại.

Ngày ấy, tôi còn là đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi. Nhà cụ Phó Đạt giáp nhà ông nội tôi, đến Tết năm ấy cụ sẽ tròn 100 tuổi. Cháu nội cụ chơi thân với tôi, bảo: “Ông nội mình vẫn khỏe, tỉnh táo, vậy mà hôm rồi dở chứng nói với cả nhà là trong chiều 30 Tết sẽ đi đấy. Bà nội, bố mình và các cô chú nhao nhao phản đối: Ông chỉ nói gở, sống trăm tuổi cho con cháu mừng. Ông nội cười bảo 99 tuổi đi mới đẹp, thêm một tuổi nữa là lấy hết tuổi thọ của con cháu. Thế là đến ngày 30 Tết, cả nhà không ai nói ra nhưng cứ nơm nớp lo, bà đi sát ông từng bước. Buổi sáng cụ đã dắng: Nấu cho ông nồi nước lá thơm tắm tất niên. Tắm xong, trưa cụ ăn bữa cơm ngon lành, vui vẻ với con cháu. Như lệ thường, cụ ngả lưng ít phút buổi trưa, lần này, cụ bà cũng leo lên giường nằm cạnh (bình thường cụ bà chẳng ngủ trưa bao giờ). Hai cụ nằm trong màn tuyn mới toanh, cái gối đôi cũng mới do con cháu mua tặng. Hai cụ rủ rỉ chuyện trò, ôn lại bao nhiêu năm chung sống chia ngọt sẻ bùi với ngần ấy mặt con, giờ đều trưởng thành cả. Cụ ông nói là chính, đôi khi cụ bà xen vào vài câu. Đến khi cụ bà cảm thấy mình nói đã hơi nhiều, cụ ông thì im lặng. Sinh nghi, cụ bà nhỏm dậy, cụ ông đã về cõi tự lúc nào…”.

Đấy là chuyện ở quê tôi: Cố Bản,Vụ Bản, Nam Định. Cụ Phó Đạt thực hiện cái lý do “sẽ đi” của mình một cách nhẹ nhàng, thanh thản là vậy. Còn câu chuyện dưới đây liên quan đến chính bản thân, dù đã mấy chục năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ rõ.

Một ngày cuối năm 1977, tôi đang là trợ lý kỹ thuật của một đơn vị quân đội đóng ở Hà Nội, có người bạn rủ đến thăm bà Hoàng Thị Thế, con gái út của cụ Hoàng Hoa Thám.

Lúc đó, bà Hoàng Thị Thế đã gần 80 tuổi, sống trong một căn hộ tầng ba khu tập thể ngõ Văn Chương, thuộc quận Đống Đa. Bà rất đẹp lão, dáng cao, lưng chưa còng, tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào. Bà bảo là năm 1965 về nước theo lời mời của Hồ Chủ tịch.

Cuối năm 1909, quân Pháp tấn công nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ở đồn điền Phồn Xương (Bắc Giang), bà lúc đó 8 tuổi với mẹ là bà Ba Cẩn bị giặc bắt. Sau đó, chúng đưa bà sang Pháp, bà lớn lên làm con nuôi của một gia đình và trở thành diễn viên điện ảnh. Hết thời xuân sắc, bà bỗng nảy ra một khả năng linh cảm tuyệt vời, hồi còn ở Paris đã được nhiều người mộ tiếng.

Bà lấy trong ngăn bàn ra một mẩu giấy trắng hình chữ nhật, ghi tên tuổi tôi vào đó. Bà nhẩm tính và viết thêm bên cạnh con số “5”. Bà bảo, giờ già rồi, linh cảm không còn mạnh như xưa, song qua con số 5 này bà sẽ tính được vài chuyện sẽ đến với cháu. Bà ghi cả vào đây cho cháu khỏi quên. Có mấy điều cụ thể đáng chú ý đã ghi vào giấy, bà còn dặn ngoài: “Năm nay cháu lên lương. Sang năm nữa chuyển công tác. Năm 1986, cháu làm nhà”.

Ban đầu tôi không tin, vì lúc gặp bà đã là tháng 11, thế rồi sang tháng 12 năm ấy, tôi có quyết định thăng từ Thiếu úy lên Trung úy. Năm sau nữa (1979), tôi chuyển công tác thật, về tòa soạn báo Quân đội nhân dân. Còn chuyện làm nhà. 7 năm sau lần được gặp bà, do bận nhiều việc tôi cũng quên bẵng điều “thứ ba” bà viết trong giấy. Thế rồi vào ngày chuẩn bị đổ móng nhà mới, tôi lục tìm cái hóa đơn mua xi măng (ngày ấy mua một cân xi măng cũng phải có hóa đơn chứng từ), tình cờ thấy mẩu giấy có dòng chữ “Năm 1986 làm nhà”.

Bà Hoàng Thị Thế qua đời tại Bệnh viện Việt Xô vào mùa hè năm 1992, hưởng thọ 91 tuổi.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu


Ý kiến của bạn