Đây là thông tin từ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. Theo số liệu tổng hợp của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận 20 trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị chứng loạn thần do rượu. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, đã có 90 trường hợp bệnh nhân loạn thần do rượu đến bệnh viện khám và điều trị.
Tất cả những bệnh nhân này đều có chung tiền sử nghiện rượu, nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, hoang tưởng, ảo giác, lên cơn co giật, tâm lý hành vi bất thường, rối loạn nhận thức.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung, Khoa Động kinh nghiện chất - Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng BV Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết, rối loạn tâm thần là do bệnh nhân đã sử dụng rượu bia trong thời gian dài, rồi ngưng sử dụng trong 1 vài ngày thì sẽ xuất hiện những biểu hiện về tâm thần như là mất ngủ, nói nhảm, quậy phá. Biểu hiện cơ thể là run tay.
Thăm khám bệnh nhân nghiện rượu bia tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk.
Có phải uống bia ít hại cho sức khỏe hơn so với rượu?
Nhiều người vẫn cho rằng uống bia ít hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu, theo PGS.TS. Phạm Việt Cường- Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường ĐH Y tế Công Cộng- Là một giảng viên/nghiên cứu viên, một người đã tham gia tích cực hỗ trợ việc xây dựng dự thảo luật phòng chống rượu bia cho rằng, rượu và bia là hai loại đồ uống khác nhau về cách sản xuất, mùi vị, nồng độ .. tuy nhiên điểm giống nhau của chúng là đều chứa một lượng cồn nhất định, rượu thường có nồng độ cồn cao hơn bia. Khi uống vào, lượng cồn trong rượu và bia đều có tác động đến cơ thể con người như nhau.
Theo cách tính của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo thì 1 đơn vị uống có khoảng 10g cồn nguyên chất và tương đương với 01 chén rượu mạnh, 01 lon/chai bia 330ml, hoặc 1 ly rượu vang 60ml.
Tác hại cho sức khỏe rượu bia gây ra bởi số lượng cồn dung nạp vào cơ thể, nếu uống càng nhiều thì lượng cồn vào cơ thể càng nhiều và sẽ gây hại, không phân biệt là uống bia, hay rượu. Có nhiều bằng chứng nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, không có một lượng uống rượu bia nào có lợi cho sức khỏe, chỉ có các tác hại nhiều hay ít mà thôi, PGS Cường nhấn mạnh.
Uống càng nhiều thì lượng cồn vào cơ thể càng lớn và sẽ gây hại, không phân biệt là uống bia, hay rượu.
Tác hại của rượu bia
Thực tế, chất cồn trong rượu bia được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư. Sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch; tiêu hóa; suy giảm miễn dịch...
Theo PGS.TS. Phạm Việt Cường cho rằng, sử dụng rượu/bia có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra các hậu quả xã hội do đặc tính gây say, gây ngộ độc và gây phụ thuộc, nghiện của của loại đồ uống này. Rất nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng người sử dụng rượu bia thường bị tổn hại về sức khỏe thể chất, tinh thần và bị suy giảm các vai trò xã hội. Bên cạnh đó những người xung quanh (trong gia đình và ngoài cộng đồng) cũng bị ảnh hưởng, tổn thất về tài sản, tiền bạc, bị bạo hành, phá vỡ các mối quan hệ…
Rượu bia là 1 trong 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm do gây tổn thương đến nhiều bộ phận của cơ thể dẫn đến mắc các bệnh: Tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); Tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); Suy giảm miễn dịch và Ung thư (ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ở nữ còn thêm ung thư vú…), tai nạn giao thông.
WHO cũng đã chỉ ra rằng, rượu bia là nguyên nhân gây ra khoảng 30 loại bệnh và đóng góp vào nguy cơ gây ra khoảng 200 bệnh khác có trong danh mục phân loại bệnh tật và tử vong.
Rượu bia cũng là một trong những tác động hàng đầu gây ra các vụ vi phạm hình sự ở người trẻ tuổi (16-30 tuổi) tại Việt Nam, chiếm tới gần 70% số vụ.
Nghiện rượu bia còn hủy hoại dần nhân cách, tha hóa đạo đức… Do đó, mọi người cần có ứng xử văn hóa trong chuyện uống rượu bia, không nài ép, lạm dụng, không nghiện ngập để dẫn đến những hậu quả xấu cho bản thân và gia đình.
Theo Báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu bia của WHO, ở nhiều nơi trên thế giới, sử dụng rượu bia là một đặc điểm chung của các cuộc tụ họp. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rượu có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra các hậu quả xã hội do đặc tính gây say, gây ngộ độc và gây phụ thuộc, nghiện của rượu bia.
Báo cáo năm 2014 của WHO nêu rõ: “Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ gây hại sức khỏe hàng đầu, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương tai nạn; rối loạn tâm thần và hành vi; xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh truyền nhiễm…”