Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài/ Câu nói người xưa thực không sai”. Nếu lấy ý “thực không sai” của Bác Hồ ra làm tiêu chuẩn mà tính, thì hơn 17 năm tù oan của ông Huỳnh Văn Nén bằng hơn 6.205 ngàn năm. Rồi còn ông Nguyễn Thanh Chấn và những ai nữa thì sự đau khổ này tính ra phải đến bao nhiêu ngàn năm nữa đây? Ấy là chưa kể những hệ lụy không thể nào đo lường được cho cả một gia đình, có thể có đến 4 thế hệ: ông bà, cha mẹ, các con, các cháu... “cùng chịu chung án” với nạn nhân. Trong khi những ngày tù của những người vô tội ấy “cơm chan nước mắt” trong “địa ngục”, thì những kẻ vô tâm, thiếu trách nhiệm gây ra cái án oan sai lại vui vầy bên vợ con, tha hồ thụ hưởng “cao lương, mỹ vị - chọc trời, quấy nước” ngoài “trần gian”, có khi còn được thăng chức nữa.
Chỉ đến bây giờ, khi đời sống dân sự được cởi mở hơn và nhà nước ta cũng quan tâm hơn đến lẽ công bằng của pháp luật, các vụ án oan sai mới được nói tới khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều vụ oan sai lớn, mà gần đây nổi bật là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ngồi tù oan đến hơn 10 năm, vụ đó cơ bản vừa mới được giải quyết, tạm gọi là xong, thì lại đã xôn xao cả nước về vụ ông Huỳnh Văn Nén đã ngồi tù oan đến hơn 17 năm, được báo chí mệnh danh là “người tù thế kỷ”. Và những ngày này là vụ oan của ông Hàn Đức Long, 4 lần bị tuyên án tử hình, đã ngồi tù oan đến 11 năm, nay mới được trao trả tự do và khôi phục quyền công dân, tâm lý vẫn còn hoảng hốt, bất thường...
Bài học từ những vụ án oan sai như của ông Nguyễn Thanh Chấn cần được giải quyết nhanh, khắc phục thiệt hại bằng việc tạm ứng kinh phí bồi thường cho người bị hại ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Không biết người khác thế nào, chứ tôi nghe 4 chữ “người tù thế kỷ”, mà thấy xót xa cay đắng đến tận đáy lòng, vì chế độ của chúng ta là chế độ “của dân”, “vì dân”, “mưu cầu hạnh phúc cho dân...”. Tôi rất cảm động khi báo nêu cụ Huỳnh Văn Truyện, suốt 10 năm phải bán nhà bán đất, bán hết cả tài sản để lấy tiền kêu oan cho con, là ông Huỳnh Văn Nén, chạy kêu suốt từ Cà Mau tới Hà Nội. Lại càng kinh hãi khi vụ việc đó đã biết là sai từ năm 2000, vậy mà 15 năm sau mới được làm rõ. Ngành pháp chế của ta với bao thành tích huy hoàng, sao việc này lại để chậm trễ đến mức không ai có thể tin được. Đúng là bệnh vô cảm cần phải được lên án rất nghiêm khắc. Nỗi đau của người khác thì mình có coi là cái gì đâu. Ông Nén nói một câu rất sâu sắc: “Chỉ cần tù oan 1 ngày là đã tan nát cả một cuộc đời”. Vậy mà tù oan đâu chỉ có 1 ngày. Biết bao nhiêu cuộc đời của người khác đã tan nát mà mình chỉ xin lỗi 30 phút và lấy tiền thuế của dân (chưa biết bao nhiêu) ra mà bồi thường mà đã được ư? Theo tôi, lấy tiền của dân để trả cho sai lầm của quan tòa là dứt khoát sai và đó là điều không thế nào chấp nhận được. Nếu chi trả tiền tù oan cho ông Nén 1 năm là 1 tỷ đồng là nhiều hay ít? Hãy nói: Nếu quan tòa xử oan vụ này cũng đi tù 17 năm, sau đó nhận 300 phút (chứ không chỉ 30 phút) xin lỗi và nhận đền bù 170 tỷ đồng (chứ không phải 17 tỷ đồng), liệu vị quan tòa đó có “vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ” hay không? Tất nhiên để có một vụ oan sai, không phải lỗi của một quan tòa. Nhưng quan tòa vẫn là người cuối cùng và cao nhất phải chịu trách nhiệm về cái án oan sai cho người lương thiện mà tòa đã tuyên ra. Không thể đổ sai lầm đó cho Nhà nước hay cho nhân dân để lấy tiền thuế của nhân dân ra mà đền. Bây giờ, đi làm nhiệm vụ của Nhà nước, vào nghỉ tại nhà khách cơ quan, nếu vô ý đánh vỡ một cái phích, theo nội quy, anh vẫn phải bỏ tiền túi ra mà đền, cơ mà. Vậy đánh vỡ cả một đời người ta, chưa kể liên lụy tới nhiều người có liên quan khác, sao lại không? Sao anh lại phủi tay, mỉm cười vô tư mà hạ cánh an toàn được? Tôi thấy đây là cái bất công và vô lý nhất trong chế độ hiện hành của chúng ta.
Tôi nhận ra sự cố gắng của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế những oan sai, nhưng sự thực cho thấy là oan sai không hề giảm. Vì sao? Vì ta chưa có một chế tài đủ sức răn đe. Các cụ xưa nói “giết người thì phải đổi mạng”. Và tòa đã xử nhiều vụ tử hình về tội giết người. Và như thế là đúng. Vậy một kiểu “giết người” như cách xử của tòa thì sao (nghĩa đen - như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu không là gia đình liệt sĩ thì ông đã bị tử hình rồi)?
Cho nên, đây là lần thứ ba, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật Hình sự 2 điều:
1 - Nếu xử oan sai một vụ án, thì trước hết Nhà nước phải bồi thường cho người bị oan sai, sau đó tất cả những cá nhân có liên quan trách nhiệm trong cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước bằng tài sản cá nhân của mình. Nếu Nhà nước đảm trách việc lấy tiền của nhân dân ra bồi thường cho những cá nhân tắc trách, khác nào lại đổ cái hậu quả oan sai lên đầu nhân dân. Và như thế oan sai lại càng thêm oan sai bởi diễn ra đến 2 lần trong một trường hợp .
2 - Ngoài bồi thường tiền, những người có liên quan trách nhiệm của vụ án, tùy lỗi nặng nhẹ mà phải chịu phạt tù, tổng cộng của các cá nhân ít nhất bằng 75% số năm tù mà nạn nhân đã phải chịu. Số năm tù này chia cho từng người với mức nặng nhẹ khác nhau tùy sai phạm mà họ đã mắc phải. So với quan niệm của nhân dân: “Nợ máu phải trả bằng máu”, “Giết người thì phải đền mạng người” (mà hiện nay, theo quan niệm đó, ta đã xử tử hình nhiều kẻ giết người) thì mức 75% dành cho các vị gây oan sai là còn nhẹ. Nhưng có tình tiết giảm nhẹ là các vị làm việc cho Đảng và Nhà nước, nên mức án chỉ nên đến 75% là vừa phải - giảm cho 25% là có lý có tình.
Trong khi 2 điều đó chưa được luật hóa, thì ta nên có các quy định dưới luật để xử sự theo tinh thần như thế, để những kẻ gây ra nỗi thống khổ cho người lương thiện phải chịu đúng tội, nhân danh sự lương thiện.
Tôi đã nói điều này ở nhiều nơi và ở đâu cũng được người dân đồng tình, vì nó là rất phải chăng, có lý, có tình. Và nếu điều đó có hiệu lực, tôi chắc việc gây ra những “Lệ chi viên” ở thời đại tốt đẹp của chúng ta, chả cần phải “quán triệt” gì, chưa cần phải “học tập và làm theo”..., cũng nhất định sẽ giảm hẳn, thậm chí sẽ không còn. Tôi dám chắc và tin dứt khoát như thế, nếu “chấm dứt oan sai”, là một chủ trương có thật và là điều mong muốn thực lòng.