Hà Nội

"Liều thuốc" giúp doanh nghiệp nhỏ vượt sóng gió đại dịch COVID-19

29-08-2021 08:22 | Thị trường
google news

SKĐS - Hạn chế về nguồn lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, cần được hỗ trợ sớm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó vì dịch COVID-19

"Liều thuốc" giúp doanh nghiệp nhỏ vượt sóng gió đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hạn chế về nguồn lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19. Ảnh minh họa

Suy thoái kinh tế tất yếu đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa theo nhiều khía cạnh khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ có dự trữ tiền mặt thấp hơn và khả năng tiếp cận tín dụng ít hơn, nên họ lệ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền và ít khả năng chống đỡ hơn trước sự sụt giảm nhu cầu.

Trong khi các phương tiện truyền thông thường đưa tin về tình trạng "quy mô quá lớn, nên không thể bị sụp đổ", thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đối mặt với vấn đề ngược lại: "quá nhỏ để được cứu". Việc tái cơ cấu khoản vay mất rất nhiều thời gian. Các ngân hàng có động cơ mạnh mẽ để thực hiện thủ tục tốn kém này cho khách hàng lớn hơn. Chính vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hơn nhiều trong việc giành được sự chú ý của các ngân hàng.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông ở mức độ thấp hơn, khiến họ khó duy trì hoạt động hơn trong thời gian phong tỏa. Dù Chính phủ Việt Nam đang cung cấp các chương trình hỗ trợ, song doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có ít thông tin và khả năng tiếp cận hơn.

Mặc dù những thách thức trên xảy ra với tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng ảnh hưởng càng trầm trọng hơn đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, bởi các doanh nghiệp này thường có quy mô vốn nhỏ hơn. Hiện chỉ có 1/4 số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam do phụ nữ làm chủ. Họ có ít khả năng hơn để tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đồng thời, các sản phẩm tài chính khó có thể được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của họ.

Tiếp sức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng sức chống chịu

"Liều thuốc" giúp doanh nghiệp nhỏ vượt sóng gió đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ để vượt qua đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa


Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn: Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất; chi phí sản xuất tăng cao do thực hiện phòng chống dịch: Xét nghiệm 3 ngày 1 lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện "3 tại chỗ" tại nhà máy… khiến nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Để vượt qua đại dịch, các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và định hướng các cơ quan ban ngành khẩn cấp ban hành quyết sách cứu doanh nghiệp, trong đó đối với chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp xin miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra: Xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ".

Đối với chính sách tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1.8.2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.

Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1.8.2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Có thể nói, "Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế Việt Nam". Do vậy, Việt Nam cần có những hành động mang tính quyết định để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh của mình qua làn sóng COVID-19 thứ tư này.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Thu Nguyễn
Ý kiến của bạn