"Liều thuốc" giảm nhẹ trào ngược dạ dày thực quản

15-08-2016 08:32 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh là cách tốt nhất để kiềm chế chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc chứng ợ nóng mãn tính.

Cân nặng khỏe mạnh kiềm chế trào ngược dạ dày thực quản

Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh là cách tốt nhất để kiềm chế chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD: gastroesophageal reflux disease), hoặc ợ nóng mãn tính, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí The American Journal of Gastroenterology.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản tăng tỷ lệ thuận với tăng trong chỉ số khối cơ thể BMI (BMI: body mass index), được tính dựa vào trọng lượng cơ thể và chiều cao.

giam-can-lieu-thuoc-giam-nhe-trao-nguoc-da-day-thuc-quan

Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dịch chứa acid của dạ dày đi ngược trở lại vào thực quản dưới, gây đau bỏng rát và ợ nóng. Việc điều trị hiệu quả nhất cho GERD là dùng thuốc ức chế bơm proton để hạn chế tiết acid, chẳng hạn như omeprazole, lansoprazole. Những người thừa cân có nhiều khả năng mắc phải chứng bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Các nhà nghiên cứu theo dõi gần 30.000 người trong vòng 11 năm, ghi nhận những thay đổi trong các triệu chứng ợ nóng và chỉ số BMI. Nghiên cứu cho thấy tăng thêm 30% triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày - thực quản khi tăng một điểm của chỉ số BMI.

Những cách giảm nhẹ trào ngược dạ dày thực quản

Nếu bạn bị GERD, thuốc là một giải pháp ngắn hạn có hiệu quả. Nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng giảm cân là chìa khóa để giảm bệnh lâu dài, nếu bạn đang thừa cân hay béo phì, tương ứng với chỉ số BMI > 23 hay BMI > 25 ở người lớn châu Á.

Luôn nhớ rằng, khi bạn có triệu chứng ợ nóng thì giảm cân là một "liều thuốc" khiêm tốn hiệu quả thấy rõ nếu bạn đang thừa cân, trước khi có sự can thiệp bằng các thuốc tân dược.

Ngoài việc giảm cân, có nhiều điều trị không dùng thuốc khác cần quan tâm và áp dụng trong bệnh trào ngược dạ dày - thực quản như:

1. Thay đổi chế độ ăn uống bao gồm tránh những thức ăn nhiều dầu mỡ và gia vị.

2. Tránh bữa ăn trễ và ăn nhiều.

3. Tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn.

4. Tránh mặc đồ quá chật ngay sau bữa ăn.

5. Kê cao gối nằm.

6. Hạn chế bia rượu.

7. Không hút thuốc lá.


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn