Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao giữa làn sóng lây lan của biến thể Omicron, người dân được khuyến khích tiêm liều vaccine bổ sung. Đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, CDC Mỹ đưa ra khuyến cáo hướng dẫn về thời điểm tiêm liều vaccine bổ sung.
Ở Mỹ, người trên 16 tuổi đều có thể đi tiêm liều tăng cường
Theo CDC Mỹ, người dân được coi là tiêm phòng đầy đủ 2 tuần sau tiêm liều 2 vaccine mRNA như Pfizer hay Moderna và 2 tuần sau khi tiêm vaccine 1 liều Johnson&Johnson. Tuy nhiên, để nâng cao mức độ bảo vệ, khuyến cáo tất cả những ai đủ điều kiện nên đi tiêm liều tăng cường. Mục đích của liều tăng cường nhằm giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời giảm khả năng nhập viện.
Hiện tại, bất kể ai trên 16 tuổi đã tiêm phòng đầy đủ đều có thể được tiêm liều vaccine mRNA bổ sung. Ở Mỹ, những người đã tiêm vaccine Pfizer hay Moderna có thể tiêm liều bổ sung sau khi hoàn thành liều 2 được 6 tháng. Những ai ban đầu nhận được liều tiêm vaccine Johnson&Johnson có thể tiêm liều bổ sung 2 tháng sau đó.
Còn ở Anh và Pháp, do sự lây lan rộng của biến thể Omicron, chính phủ của các nước này đã giảm thời điểm tiêm liều bổ sung xuống 3 tháng sau khi đã tiêm phòng đầy đủ.
Liều vaccine tăng cường COVID-19 hoạt động như thế nào trong cơ thể?
Khi bạn được tiêm bất kể loại vaccine gì, hệ miễn dịch của bạn sẽ tích lũy kháng thể để bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh trong tương lai.
Đối với COVID-19, khi được tiêm vaccine vài tháng trước đó, cơ thể bạn đã tích lũy sẵn kháng thể. Theo thời gian, phản ứng miễn dịch của cơ thể yếu dần. Lúc này, liều vaccine bổ sung sẽ tái kích hoạt hệ miễn dịch của bạn trước mầm bệnh và cơ thể bạn sẽ tạo ra nhiều tế bào sản sinh ra kháng thể.
Một nhân tố quan trọng trong quy trình này là một dạng tế bào bạch cầu có khả năng ghi nhớ để tiêu diệt mầm bệnh được gọi là tế bào B. Tế bào B sẽ được duy trì trong cơ thể bạn, chờ đợi để nhận diện và tiêu diệt mầm bệnh.
"Một khi bạn được tiêm liều tăng cường, tế bào B có thể "đánh hơi" protein do virus tạo ra và sản sinh thêm nhiều kháng thể.", PGS.TS Pablo Penaloza-MacMaster - chuyên ngành miễn dịch học vi sinh tại Trường Y khoa Feinberg, Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ) lý giải.
Liều tăng cường giúp tế bào miễn dịch ghi nhớ sản sinh nhiều kháng thể hơn
Vào thời điểm bạn được tiêm liều tăng cường, tế bào B đã từng chạm trán với protein của virus trước đó 1 hoặc 2 lần tùy theo loại vaccine ban đầu. Do đó, tế bào B có thể sản sinh thêm nhiều kháng thể hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn COVID-19. Như vậy, bạn được tăng thêm mức độ bảo vệ sau khi tiêm liều tăng cường.
PGS.TS. Penaloza-MacMaster còn cho biết thêm thậm chí liều bổ sung còn giúp tăng khả năng chéo bảo vệ trước các loại biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.
Hãng dược phẩm Johnson&Johnson cho biết, tiêm liều bổ sung 2 tháng sau liều cơ bản (liều cơ bản của Johnson&Johnson là 1 mũi), mức kháng thể tăng gấp 4-6 lần nếu tiêm cùng loại. Nếu liều tăng cường là Moderna, kháng thể tăng lên gấp 37 lần và Pfizer là gấp 25 lần.
Nếu tiêm liều bổ sung cùng loại sau 6 tháng đối với vaccine ngừa COVID-19 của Johnson&Johnson, mức kháng thể tăng lên gấp 9 lần.
Nghiên cứu cho thấy rằng tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau nâng cao mức độ bảo vệ, đặc biệt đối với liều tăng cường.
Dữ liệu của CDC Mỹ theo dõi người tham gia thử nghiệm vaccine Pfizer cho thấy, liều tăng cường bắt đầu có hiệu lực 7 ngày sau tiêm. Trong thử nghiệm, những người tiêm liều tăng cường cũng giảm nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng từ 1 tuần tới 2 tháng sau khi tiêm liều bổ sung. Thử nghiệm trên theo dõi những người tiêm liều bổ sung trong vòng 100 ngày sau tiêm.
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi