Liệu pháp y tế từ côn trùng

25-07-2019 06:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhện, ong, gián… được xem như là những loài côn trùng gây hại. Nhưng những sinh vật nhỏ bé này có thể nắm giữ bí mật về một tiềm năng cho việc sáng chế ra những liệu pháp y tế có lợi cho sức khỏe.

Nhện - nền tảng của phương pháp điều trị mới

Nọc độc của nhện có thể điều trị được bệnh

Hội chứng ruột kích thích (IBS) gồm một nhóm các triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy và đau bụng), có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Năm 2016, các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide ở Úc, Đại học Johns Hopkins ở Baltimore và các tổ chức hợp tác khác đã tìm thấy tiềm năng mới trong điều trị đau liên quan đến IBS từ nọc độc của nhện. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất độc được tạo ra bởi một loài tarantula- Heteroscodra maculation, có thể kích hoạt một protein (kênh ion), NaV1.1 có trong các dây thần kinh ruột phát ra tín hiệu đau. Các nhà nghiên cứu tin rằng khám phá này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu nhiều hơn cho cơn đau IBS. Năm 2018, nhóm nghiên cứu này đã tìm ra cách chặn tín hiệu đau trong các mô hình chuột của IBS từ nọc độc của nhện.

Cũng trong năm 2018, các nhà điều tra của Đại học Queensland và Viện Khoa học thần kinh và Sức khỏe tâm thần Florey (Úc) đã tìm ra các đặc tính trị liệu của một loại peptide có trong nọc độc của loài nhện Hm1a. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Hm1a để kích hoạt có chọn lọc NaV1.1 trong các mô hình chuột mắc hội chứng Dravet - một dạng động kinh nghiêm trọng.Bằng cách đó, các nhà nghiên cứu đã có thể loại bỏ cơn động kinh ở những con chuột họ này bằng phân tử nọc độc của nhện.

Nọc độc của nhện có thể khởi động các liệu pháp mới, trong khi tơ nhện có thể giúp các nhà nghiên cứu thiết kế các vật liệu sinh học tốt hơn.

Nọc độc của nhện có thể khởi động các liệu pháp mới, trong khi tơ nhện có thể giúp các nhà nghiên cứu thiết kế các vật liệu sinh học tốt hơn.

Tiềm năng của tơ nhện

PGS. Jessica Garb - Khoa Khoa học Sinh học (Đại học Massachusetts Lowell) cho hay, mạng nhện là vật liệu sinh học khó nhất. Chúng cứng hơn thép nhưng nặng hơn rất nhiều và một số loại tơ nhện có thể kéo dài gấp 3 lần chiều dài của chúng mà không bị gãy. Vì thế, PGS. Garbs và các đồng nghiệp đã nghiên cứu vật liệu cực kỳ mỏng và dẻo dai này. Các nhà nghiên cứu hy vọng, những vật liệu này có thể được sử dụng để cải thiện mũ bảo hiểm và áo giáp hoặc các thiết bị bảo vệ khác, các thiết bị y tế như chân tay giả, băng và chỉ khâu, thậm chí cả dụng cụ thể thao.

Não gián có thể có đặc tính như thuốc kháng sinh.

Não gián có thể có đặc tính như thuốc kháng sinh.

Thuốc từ gián

Y học cổ đại Trung Quốc cho rằng, gián có công dụng chữa bệnh.Tại đây, có những trang trại nuôi gián trong môi trường được vệ sinh kỹ lưỡng. Khi đến thời điểm nhất định, gián được nghiền thành một thứ bột nhão được cho là giúp điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa.

Năm 2010, nghiên cứu của các nhà điều tra từ Đại học Nottingham (Anh) cho hay, bộ não của gián ở Mỹ chứa không dưới 9 phân tử có thể tiêu diệt vi khuẩn mạnh, kháng kháng sinh. Theo TS. Simon Lee - Đại học Nottingham (Anh), các phân tử này có thể được phát triển thành phương pháp điều trị nhiễm trùng Escherichia coli và MRSA Staphylococcus aureus kháng thuốc hiện nay. Những loại kháng sinh mới này sẽ là các lựa chọn thay thế cho các loại thuốc hiện nay nhưng có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một nghiên cứu mới cho rằng loài gián Diploptera puncata (gián bọ cánh cứng Thái Bình Dương) có thể sản xuất một dạng sữa chứa một lượng protein cao. Tuy nhiên, quá trình này sẽ rất khó khăn vì không thể vắt sữa côn trùng, các nhà nghiên cứu sẽ phải tìm cách sản xuất sữa một cách nhân tạo.

Nọc độc của ong bắp cày - thuốc trị bệnh hữu hiệu

Nhiều người sợ hãi ong bắp cày do vết đốt của chúng có thể tạo ra phản ứng dị ứng, từ sưng nhẹ đến sốc phản vệ toàn thân. Nhưng theo nhiều nghiên cứu, nọc độc của ong bắp cày có thể chữa được bệnh. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Toxins năm 2015 đã xác định 3 peptide có trong nọc ong bắp cày có ứng dụng trong y sinh. Peptid mastoparan có trong nọc độc của ong bắp cày, có đặc tính kháng khuẩn và chống virut.

Các nhà khoa học cho hay, mastoparan có thể kết hợp với các kháng sinh khác là một sự thay thế đầy hứa hẹn để chống lại vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng peptide này có thể gây độc cho mô khỏe mạnh, tấn công vi khuẩn và các tế bào xung quanh. Do đó, các nhà nghiên cứu đang tìm mọi cách để giảm tác dụng phụ độc hại của mastoparan.

Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cho rằng, Polybia-MP1 - một loại mastoparan có trong nọc độc của ong bắp cày Polybia paulista có thể ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư bàng quang và tuyến tiền liệt, các tế bào ung thư bạch cầu kháng thuốc. Năm 2018, nghiên cứu từ Đại học California (Riverside) đã xác định một loại peptide, ampulexin có thể mở ra một con đường mới cho phương pháp điều trị Parkinson.


Trần Ngọc
Ý kiến của bạn