Khỏi ung thư máu bằng phương pháp tế bào CAR-T
Ngày 21/8/2023, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đã công bố về trường hợp bé gái T.B.C., 4 tuổi (ở Hà Nội) đã được xuất viện sau thời gian điều trị ung thư bạch cầu cấp dòng lympho bằng liệu pháp tế bào CAR-T. Đây là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được điều trị bằng biện pháp này.
Cháu C. bắt đầu trị bệnh từ năm 2 tuổi và điều trị liên tục bằng hóa chất, tuy nhiên gần đây cháu không đáp ứng phác đồ điều trị bình thường, có nhiều biến chứng dữ đội như đau chân tay, đau bụng, sốt cao, gầy sút nhiều, răng đen… Cháu đã chờ đợi đến lúc phương pháp này được Hội đồng đạo đức y sinh, Bộ Y tế thông qua và được cấp phép thử nghiệm.
Bé C. được điều trị trong hơn 1 tháng, sau truyền CAR-T 2 ngày vẫn sốt nhưng đáp ứng với thuốc, ngày thứ 3 bắt đầu hết đau chân và các biến chứng, có thể ăn và đi lại, trong 30 ngày lên được 700g trong khi từ khi mắc bệnh bé chỉ có xuống cân, chưa từng có lần lên ký. Ca bệnh bé C. nằm trong nhóm 16 ca điều trị miễn phí, thuộc dự án ứng dụng công nghệ cao điều trị ung thư, được Bộ Y tế cho phép triển khai tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia y tế, liệu pháp tế bào CAR-T đã được cấp phép tại một số quốc gia trên thế giới điều trị ung thư bạch cầu cấp dòng lympho, ung thư hạch lymphoma không đáp ứng với phác đồ chuẩn, cho kết quả tốt từ 60 - 80%. Như vậy, ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam đã được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T, mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân bạch cầu cấp hoặc ung thư hạch không đáp ứng với phác đồ điều trị cũ.
Thêm cơ hội cho người ung thư nhờ liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tấn công các tế bào ung thư. Hiện nay có 2 nhóm điều trị miễn dịch. Điển hình là liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T được chỉ định trong u lympho và bệnh bạch cầu. Điều trị miễn dịch đã cải thiện đáng kể thời gian sống thêm toàn bộ cũng như trì hoãn thời gian bệnh tiến triển nhưng không chữa khỏi triệt để được ung thư giai đoạn muộn.
Một trường hợp tiêu biểu minh chứng hiệu quả của điều trị miễn dịch tại Bệnh viện K là bệnh nhân nam 75 tuổi cách đây 5 năm được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến kém biệt hoá của phổi phải giai đoạn II, được phẫu thuật cắt thuỳ dưới phổi phải, vét hạch và hoá trị bổ trợ 4 chu kì. Cách đây 3 năm bệnh nhân tái phát di căn màng phổi, được điều trị hoá trị kết hợp miễn dịch sau đó duy trì miễn dịch, giữ được bệnh ổn định đến thời điểm hiện tại.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, điều trị miễn dịch là một trong những thành tựu mới nhất và lớn nhất trong điều trị ung thư. Ở Việt Nam liệu pháp miễn dịch được áp dụng rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hàng nghìn bệnh nhân được điều trị và hưởng lợi từ thành tựu này, kết hợp với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, hoá trị … chữa khỏi ung thư giai đoạn sớm và kéo dài thời gian sống thêm bệnh giai đoạn di căn.
TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị A (Bệnh viện K) thông tin, hiện nay, dấu ấn sinh học được sử dụng nhiều nhất trong thực hành lâm sàng là chỉ số PD-L1 trên tế bào u và tế bào miễn dịch bị xâm nhiễm. Chỉ số này được xác định bằng hóa mô miễn dịch trên mẫu mô u. Mỗi loại ung thư sẽ có ngưỡng PD-L1 riêng biệt, giúp quyết định việc sử dụng liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch trên từng bệnh nhân.
6 Nhóm Người Dễ Mắc Ung Thư Phổi Nhất | SKĐS