Liệu pháp tế bào gốc: Lối thoát cho nhiều ca tưởng như... bó tay

31-01-2017 08:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Liệu pháp tế bào gốc (TBG) hiện đang đốt nóng thị trường công nghệ cao với doanh thu đạt tới 40 tỷ USD trong vòng 5 năm...

Liệu pháp tế bào gốc (TBG) hiện đang đốt nóng thị trường công nghệ cao với doanh thu đạt tới 40 tỷ USD trong vòng 5 năm gần đây do những ứng dụng ngoạn mục của nó trong điều trị nhiều loại hình bệnh tật mà các phương pháp truyền thống đã “bó tay”. Đây thực sự là một hướng đi có tính chất đột phá của y học hiện tại và tương lai.

TBG và các loại TBG trong cơ thể

TBG hay tế bào mầm (stem cell) là dòng tế bào “mẹ”, chưa biệt hóa (chưa đặc trưng cho tế bào của một cơ quan nào) có khả năng sinh ra các tế bào “con”, biệt hóa cao, mang đầy đủ các đặc điểm của tế bào các cơ quan riêng biệt của cơ thể như gan, thận, tim, phổi…

Có nhiều loại TBG khác nhau trong cơ thể con người. TBG toàn  năng là những tế bào đầu tiên (2-4 tế bào) được phân chia ngay sau khi thụ tinh và mỗi tế bào này đều có khả năng tạo một thai nhi hoàn chỉnh. TBG vạn năng là loại TBG xuất hiện sau TBG toàn năng từ 3-4 ngày tiếp theo trong sự phân chia của hợp tử. TBG vạn năng có khả năng sinh ra toàn bộ các loại tế bào khác hình thành nên các cơ quan của cơ thể nhưng không thể tạo một thai nhi hoàn chỉnh như TBG toàn năng. TBG đa năng là loại TBG sinh ra tất cả các tế bào, tuy khác nhau nhưng cùng là cấu trúc hình thành nên một cơ quan nào đó ví dụ như tế bào gốc đa năng sinh máu sẽ có khả năng sinh hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Cuối cùng là TBG đơn năng là dòng tế bào gốc đã biệt hóa cao, chỉ có khả năng sinh một loại tế bào duy nhất như dòng TBG sinh hồng cầu, dòng TBG sinh tiểu cầu, dòng TBG sinh bạch cầu…

Nhiều ứng dụng tuyệt vời trong y học

Bởi vì các TBG có khả năng phân chia để tạo ra tế bào mới của các cơ quan trong cơ thể nên trong y học, công nghệ TBG được sử dụng để sửa chữa, tạo mới các phần hư hỏng của các cơ quan bị bệnh. Hiện rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy kết quả tốt của liệu pháp TBG trong điều trị các bệnh như sa sút trí tuệ, thoái hóa hệ thần kinh trung ương, các đột quỵ, chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống… Việc bơm các TBG vào hệ thần kinh có thể giúp cơ thể tái tạo lại các tế bào thần kinh hoặc các tế bào làm nhiệm vụ dẫn truyền các xung thần kinh, từ đó cải thiện được chức năng não bộ hoặc tủy sống. Liệu pháp TBG cũng bước đầu tỏ ra có hiệu quả trong thực nghiệm trên động vật và cả ở người trong việc điều trị các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim… và nếu thành công sẽ góp phần đáng kể vào việc kéo dài tuổi thọ các bệnh nhân tim mạch mà không cần ghép tim. Ghép tủy xương có lẽ là liệu pháp TBG có hiệu quả nhất đã được công nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bệnh tiểu đường týp 1 có nguyên nhân do thiếu insulin - loại hormon giúp cho cơ thể sử dụng được đường. Tế bào beta tại tụy là nơi sản xuất ra insulin và khi các tế bào này bị tổn thương, lượng insulin trong máu sẽ bị suy giảm từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường. Khi bơm các TBG vào tụy, các TBG nếu “cấy ghép” thành công sẽ thay thế các tế bào beta tiết ra insulin và kết quả là bệnh lý tiểu đường được khắc phục. Đây sẽ là liệu pháp điều trị tiểu đường có nhiều hứa hẹn.

Trong lĩnh vực nhãn khoa, liệu pháp TBG đã được ứng dụng khá thành công trong việc điều trị các bệnh lý giác mạc, tổn thương các tế bào nhận cảm ánh sáng tại đáy mắt... Bên cạnh đó, liệu pháp TBG cũng được chỉ định điều trị bệnh hói đầu, các khiếm khuyết về răng, giúp làm lành các vết thương nặng, trong chấn thương chỉnh hình, điều trị xơ gan..., đặc biệt có thể hỗ trợ, tăng cường hệ miễn dịch ở những bệnh nhân HIV/AIDS.

Thay lời kết

Cho tới nay, hiệu quả điều trị một số bệnh lý của liệu pháp TBG cho kết quả tốt là không phải bàn cãi mặc dù còn rất nhiều loại hình bệnh tật và các ứng dụng khác của TBG kết quả mới chỉ dừng ở thực nghiệm ở động vật hoặc việc áp dụng trên người chưa được rộng rãi để có thể đánh giá hiệu quả chắc chắn. Nhưng chúng ta có đủ cơ sở để hy vọng, trong tương lai, liệu pháp này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi ngõ cụt trong các lĩnh vực như ghép tạng, các bệnh lý về gene, bệnh mạn tính..., thậm chí biến ước mơ “cải lão hoàn đồng” thành sự thực.


TS.BS. Vũ Đức Định - GS.TS. Lê Ngọc Thành
Ý kiến của bạn