- Những người bị COVID-19 kéo dài có thể gặp phải các triệu chứng suy nhược vài tháng sau lần nhiễm trùng đầu tiên, nhưng vẫn chưa có phương pháp điều trị nhắm mục tiêu cho tình trạng này.
- Một nghiên cứu thí điểm nhỏ báo cáo rằng một loại kháng thể đơn dòng, leronlimab, có thể cải thiện các triệu chứng ở một số người bị COVID kéo dài, bằng cách tăng cường khả năng miễn dịch…
COVID-19 kéo dài có thể gây ra hệ thống miễn dịch bị ức chế bất thường ở một số bệnh nhân.
1. Mối liên quan giữa viêm nhiễm và COVID-19 kéo dài
Đa số những người bị COVID-19 hồi phục hoàn toàn trong vòng 3-4 tuần đầu sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, khoảng 10-30% cá nhân trải qua các triệu chứng kéo dài hàng tuần và hàng tháng sau giai đoạn cấp tính của bệnh. Các triệu chứng này được mô tả chung là COVID-19 kéo dài hoặc hội chứng COVID-19 sau cấp tính.
Do các triệu chứng của COVID-19 kéo dài khác nhau ở mỗi người, nên cơ chế cơ bản của COVID-19 kéo dài vẫn chưa được hiểu rõ. Điều này cũng đã cản trở sự phát triển của các phương pháp điều trị nhắm vào các yếu tố gây ra COVID-19 kéo dài.
Bệnh nặng trong giai đoạn cấp tính của nhiễm trùng SARS-CoV-2 được đặc trưng bởi tình trạng viêm quá mức và phản ứng miễn dịch bị rối loạn. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng những phản ứng miễn dịch không điển hình này trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính có thể dẫn đến tình trạng viêm dai dẳng, mạn tính… có khả năng gây ra các triệu chứng COVID-19 kéo dài.
Các nghiên cứu đã báo cáo rằng những người có COVID-19 kéo dài cho thấy mức độ tăng cao của cytokin gây viêm (một loại protein liên quan đến trung gian phản ứng miễn dịch của cơ thể).
Do đó, các nhà khoa học đã chuyển sang phương pháp điều trị bình thường hóa hệ thống miễn dịch để giúp giảm bớt các triệu chứng của COVID kéo dài. Một trong những ứng cử viên là leronlimab, một kháng thể đơn dòng ngăn chặn thụ thể cytokine CCR5.
Các thụ thể CCR5 được biểu hiện bởi các tế bào miễn dịch và có liên quan đến việc điều hòa phản ứng miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Trước đây các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng leronlimab có thể làm giảm mức độ các cytokine gây viêm ở những người nhập viện với COVID-19 nghiêm trọng. Do đó, các tác giả của nghiên cứu đã quyết định đánh giá khả năng của leronlimab trong việc giảm các triệu chứng COVID kéo dài.
2. Ảnh hưởng của leronlimab đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài
Nghiên cứu hiện tại liên quan đến nhóm người bị COVID-19 kéo dài, những người được tiêm leronlimab hoặc giả dược nước muối hàng tuần trong khoảng thời gian 8 tuần.
Để đánh giá hiệu quả của leronlimab, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những thay đổi trong 24 triệu chứng thường liên quan đến COVID kéo dài trong suốt thời gian nghiên cứu; phát hiện ra rằng tỷ lệ cá nhân trong nhóm được điều trị bằng leronlimab cho thấy sự cải thiện trong một số triệu chứng COVID kéo dài cao hơn so với nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, không phải tất cả các cá nhân dùng leronlimab đều cho thấy sự cải thiện các triệu chứng của họ.
3. Tác động của leronlimab lên phản ứng miễn dịch
Ngày càng nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài được khám phá
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động của leronlimab đối với sự biểu hiện CCR5 trong COVID kéo dài. Các cá nhân được điều trị bằng leronlimab cho thấy tỷ lệ tế bào miễn dịch biểu hiện CCR5 tăng lên sau 8 tuần. Nhóm đối chứng không cho thấy sự gia tăng biểu hiện CCR5.
Đáng chú ý, chỉ những cá nhân trong nhóm được điều trị bằng leronlimab đáp ứng với điều trị cho thấy sự gia tăng biểu hiện CCR5 trong khoảng thời gian 8 tuần. Ở những người không đáp ứng không có sự gia tăng biểu hiện CCR5.
Đồng tác giả của nghiên cứu, TS Otto Yang, Đại học California ở Los Angeles cho biết: Những bệnh nhân được cải thiện là những người bắt đầu với CCR5 thấp trên tế bào T của họ, cho thấy hệ thống miễn dịch của họ hoạt động kém hơn bình thường và mức CCR5 thực sự tăng lên ở những người được cải thiện. Điều này có thể thay đổi cách tiếp cận đối với các phương pháp điều trị COVID -19 kéo dài.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng điều trị bằng leronlimab làm tăng số lượng quần thể tế bào miễn dịch cụ thể, chẳng hạn như tế bào T, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch ở một số người có COVID-19 kéo dài.
4. Hy vọng về liệu pháp điều trị COVID -19 kéo dài mới
TS Rajeev Mehlotra, Đại học Case Western Reserve cho biết: Những phát hiện này bổ sung một góc nhìn khác cho những nỗ lực tìm hiểu về COVID -19 kéo dài. Khi các nghiên cứu nhắm mục tiêu CCR5 để điều trị COVID-19 được thực hiện và các phương pháp điều trị như vậy bắt đầu ngày càng trở nên sẵn có thì nghiên cứu này bổ sung thêm một quan điểm khác về cơ chế liên quan đến điều trị bằng leronlimab. Xem xét cơ chế 'không mong đợi' này cùng với kiến thức hiện có có thể dẫn đến hiểu biết toàn diện hơn về cơ chế bệnh sinh và kết quả điều trị ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài.
Mời độc giả xem thêm video:
7 lợi ích của vitamin C