Liệu pháp tâm lý trong điều trị bệnh tâm thần

06-12-2024 08:00 | Y học 360
google news

Liệu pháp tâm lí là những biện pháp tác động lên tâm lí người bệnh một cách có kế hoạch, có tổ chức nhằm mục đích chữa bệnh.

Lúc đầu, liệu pháp tâm lí chỉ phát triển trong Tâm thần học. Về sau, cùng với sự phát triển của các trường phái tâm lí học, một loạt các dạng liệu pháp tâm lí xuất hiện như là kết quả của việc ứng dụng những lí thuyết tâm lí học khác nhau vào lĩnh vực lâm sàng tâm thần.

Cho đến nay đã có khoảng 400 dạng liệu pháp tâm lí dành cho người lớn và khoảng 200 dạng dành cho trẻ em. Cũng có rất nhiều cách phân loại khác nhau. Dựa vào số lượng bệnh nhân tham gia trong một buổi, người ta chia thành liệu pháp tâm lí cá nhân và liệu pháp tâm lí nhóm.

Liệu pháp tâm lý trong điều trị bệnh tâm thần- Ảnh 1.

Có 3 hình thức liệu pháp tâm lý:

Liệu pháp tâm lý cá nhân:

Các liệu pháp phân tích tâm lí: Các kĩ thuật chính của phân tâm là: liên tưởng tự do, phân tích các giấc mơ và chuyển di. Bằng các kĩ thuật này, nhà phân tâm đi sâu làm sáng tỏ những xung đột tâm lí - nguyên nhân của các rối loạn tâm thần.

Liệu pháp hành vi: Bất kì một hành vi nào của con người cũng đều do một kích thích nào đó. Do vậy để cần có được những hành vi mong muốn, ví dụ trong công tác giáo dục, thì cần phải có những kích thích phù hợp.

Liệu pháp tâm lý nhóm:

Liệu pháp tâm lí nhóm là loại hình liệu pháp tâm lí trong đó bác sĩ không chỉ sử dụng và phát huy tác dụng của mình trong mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân mà còn sử dụng cả tác động của mối quan hệ giữa bệnh nhân - bệnh nhân nhằm mục đích điều trị. Phần lớn các kĩ thuật của liệu pháp tâm lí cá nhân cũng được dùng trong liệu pháp tâm lí nhóm.

Nhóm phân tâm: Về cơ bản, phân tâm trong nhóm cũng giống như trong liệu pháp tâm lí cá nhân. Mỗi nhóm có từ 2-7 người trao đổi với thầy thuốc và với nhau. Thầy thuốc chỉ là người phân tích liên tưởng, nội dung các giấc mơ, cách cư xử và những xung đột, hiện tượng "chuyển di" và "phản kháng"... của người bệnh.

Phân tích nhóm hiện sinh: Dạng liệu pháp tâm lí nhóm này được ứng dụng ở Mĩ nhiều hơn. Nội dung chính trong các buổi thảo luận nhóm là những vấn đề về "thế giới bên trong" của người bệnh, những khía cạnh giá trị hiện sinh, về tôn giáo, về thiên đường. Mục đích chính của dạng liệu pháp tâm lí này là xác lập sự "thông tuệ", "tiếp xúc hiện sinh"

Liệu pháp tâm lí gia đình: Gia đình là một dạng nhóm đặc biệt bởi lẽ các quan hệ trong gia đình có liên quan rất mật thiết đến nguyên nhân, diễn biến và kết quả điều trị các rối loạn tâm thần của bệnh nhân.

Mặt khác bản thân các mối quan hệ trong gia đình cũng luôn nằm trong trạng thái vận động theo thời gian và chịu những tác động của các yếu tố khác từ bên ngoài. Tất cả những tác động đó, nếu không được giải quyết một cách hài hoà (mà nói chung khó có thể thường xuyên làm được điều đó), dễ tạo ra stress, thậm chí những trạng thái bệnh lí cho một hoặc một số thành viên trong gia đình.

Do vậy cũng dễ hiểu khi trong quá trình điều trị, người thầy thuốc tâm thần (và thầy thuốc nói chung) luôn luôn cần được sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình và trong nhiều trường hợp, không chỉ "người bệnh" cần được điều trị mà là cả một gia đình cần được sự giúp đỡ về mặt tâm lí.

Liệu pháp tâm lý xã hội:

Các liệu pháp tâm lí - hội đóng vai trò rất đáng kể trong hệ thống điều trị tâm thần. Thông thường ngay sau giai đoạn cấp tính, bệnh nhân tâm thần cần được tăng cường tham gia vào các hoạt động liệu pháp tâm lí - xã hội. Chính các liệu pháp tâm lí - xã hội góp phần làm giảm liều thuốc củng cố, phát huy hiệu quả của các liệu pháp sinh học, trước hết là liệu pháp hóa dược, kéo dài thời gian ổn định, hạn chế tái phát đối với nhiều bệnh loạn thần nặng, ví dụ: TTPL.

Liệu pháp môi trường: Các cơ sở điều trị nói chung, điều trị tâm thần nói riêng, cần phải được xây dựng nhằm tạo ra một môi trường tác động tích cực lên tâm lí người bệnh.

Xu hướng chung hiện nay trên thế giới là không xây dựng nhiều những bệnh viện tâm thần lớn mà thường là tổ chức các khoa tâm thần tại bệnh viện đa khoa. Điều này không chỉ nhằm khai thác những phương tiện kĩ thuật cao, sự hỗ trợ của các chuyên gia nội, ngoại khoa cho bệnh nhân tâm thần. Tác dụng điều trị đối với bệnh nhân tâm thần còn ở chỗ họ được đối xử bình đẳng như những bệnh nhân khác. Hơn thế nữa, nó còn góp phần xóa bỏ thái độ kì thị của xã hội đối với bệnh nhân tâm thần.

Các liệu pháp lao động: Bất kì một hoạt động nào của con người cũng đều có 2 thành tố chính: thành tố tâm lí bên trong và các thao tác bên ngoài. Lao động liệu pháp nhằm làm thay đổi, điều chỉnh cái tâm lí bên trong thông qua việc tổ chức thực hiện các thao tác bên ngoài.

Các liệu pháp nghệ thuật: Như đã biết, các sản phẩm và bản thân hoạt động nghệ thuật có tác động rất lớn đến tâm lí con người, trước hết là lĩnh vực cảm xúc. Do vậy các hoạt động nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động sáng tạo cũng như thưởng thức, tiếp thu đều có thể được thiết kế thành dạng trị liệu.

Các liệu pháp phục hồi, tăng cường kĩ năng xã hội:

Các kĩ năng xã hội của con người rất phong phú. Dưới đây chúng tôi chỉ giới thiệu một số dạng liệu pháp trong số những liệu pháp phục hồi, tăng cường kĩ năng xã hội.

Phục hồi kĩ năng giao tiếp: Hiện nay trong các cơ sở chăm sóc bệnh nhân tâm thần của nhiều nước trên thế giới người ta xây dựng chương trình phục hồi, tăng cường kĩ năng giao tiếp.

Các kĩ năng cuộc sống: Hiện nay, nhiều chương trình phục hồi kĩ năng cuộc sống được thiết kế dựa theo lí thuyết của Hành vi nhận thức. Trong những chương trình như vậy có các bài nhằm tăng cường kiến thức, nhằm làm thay đổi, điều chỉnh thái độ và từ đó đưa những hành vi cần thiết vào thử nghiệm.

Bệnh Viện Tâm Thần Hà Nội Địa chỉ: Ngõ 467, Đường Nguyễn Văn Linh, Phường Sài Đồng, Quận Long Biên, Thành Phố Hà Nội

Hotline: 0967301616

Website: benhvientamthanhanoi.com

Thu Nguyễn


Ý kiến của bạn