Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị bệnh đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, cho đến nay, vẫn là phương pháp chữa bệnh không thể thiếu, được áp dụng rộng rãi trong chuyên ngành tâm thần.
Sử dụng các LPTL trong trị liệu tâm lý là phương pháp chữa trị bệnh chủ yếu bằng sử dụng lời nói, các kỹ thuật trị liệu mang tính chuyên môn đặc thù hoặc các công cụ giao tiếp khác giữa nhà trị liệu và người bệnh.
Trong thực hành lâm sàng tâm thần, mục đích của LPTL là khắc phục các khó khăn về tâm lý của người bệnh, ví dụ như: lo âu, trầm cảm, stress, những sang chấn về tâm lý….
Người bệnh được hỗ trợ điều trị bằng tâm lý tốt sẽ kéo dài được thời gian ổn định bệnh; hạn chế tái phát các triệu chứng bệnh; hỗ trợ người bệnh tăng cường khả năng tự đối phó, tự giải quyết vấn đề của mình; điều chỉnh một số nét tính cách, giúp người bệnh thích nghi tốt hơn với cuộc sống.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, trong những năm qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn tăng cường kết hợp nhiều phương pháp, áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho người bệnh, trong đó có các liệu pháp, các kỹ thuật về tâm lý.
Áp dụng liệu pháp tâm lý tại BV Tâm thần tỉnh Phú Thọ
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ, các liệu pháp được sử dụng hiện nay gồm: Liệu pháp kích hoạt hành vi (BA), giải thích hợp lý, âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao, tái thích ứng xã hội; bên cạnh đó là các Trắc nghiệm tâm lý như Trắc nghiệm trí tuệ Raven, Wais, Trắc nghiệm nhân cách MMPI, Trắc nghiệm Trầm cảm Beck, Lo âu Zung, Trí nhớ Wechler...
Khoa Tâm lý lâm sàng được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2016, với 10 cán bộ, trong đó có 01 thạc sĩ tâm lý, 04 cử nhân tâm lý, 02 bác sĩ (trong đó có 01 BSCKI tâm thần) và 03 điều dưỡng viên. Các cán bộ của khoa đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về tâm lý liệu pháp. Với chức năng là một khoa lâm sàng của Bệnh viện, hiện nay Khoa Tâm lý đã tổ chức khám, tư vấn và điều trị tâm lý cho người bệnh tâm thần, động kinh; thực hiện các trắc nghiệm tâm lý phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị; thực hiện các liệu pháp tâm lý; thực hiện công tác phục hồi chức năng tâm lý cho người bệnh thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em...
Nhìn chung, hầu hết người bệnh khi đến viện điều trị đều cần được hỗ trợ tâm lý ban đầu. Các phương pháp chuyên biệt được sử dụng trong hỗ trợ tâm lý ban đầu như nâng đỡ tâm lý, giáo dục tâm lý, giải thích hợp lý... đã và đang phát huy hiệu quả trong việc điều trị các rối loạn về tâm thần.
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, đối với những người bệnh tâm thần càng khó khăn gấp bội. Với người bệnh tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi các bác sĩ tại Khoa lâm sàng phải "hóa thân" thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh. Hàng ngày, hàng giờ, bằng các liệu pháp kỹ thuật, bác sĩ tâm lý luôn kiên trì, nhẫn nại, nhẹ nhàng, thân thiện để giúp người bệnh dần ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi, mẹ của bệnh nhi Nguyễn Hoài N., 7 tuổi, ở Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ phấn khởi cho biết, ở nhà cháu nghịch luôn chân tay, giao tiếp chậm, không nghe lời, chưa có ngôn ngữ ... khi vào viện, được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tăng động, giảm chú ý/chậm phát triển tâm thần. Sau 3 tháng kiên trì điều trị bằng liệu pháp tâm lý tại khoa, cháu đã giảm tăng động, tăng khả năng chú ý… Hiện tại, bệnh nhi Nguyễn Hoài N. đang theo học hòa nhập tại trường tiểu học nơi cư trú.
Còn bố bệnh nhi Phạm Việt T.Q, 12 tuổi, ở Thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, con anh ngại giao tiếp, giao tiếp chậm, học hành giảm sút, lầm lì, không hứng thú với các hoạt động xung quanh, khi vào viện được các bác sĩ chẩn đoán Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng tinh thần của cháu ổn định.
Bằng các liệu pháp điều trị tâm lý, rất nhiều người bệnh với những khó khăn về tâm lý ở mức độ nhẹ đã được điều trị ổn định, không cần dùng thuốc. ThS. Đặng Thị Chuyên - Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Phú Thọ cho biết: Rối loạn tâm thần bao gồm những cấp độ khác nhau, ở mỗi cấp độ lại có những cách thức can thiệp riêng.
Đối với những người bệnh có những khó khăn tâm lý ở thể rối nhiễu nhẹ, cần phát hiện và can thiệp sớm thông qua trị liệu tâm lý; tư vấn gia đình về cách thức chăm sóc và phòng ngừa biến chứng nặng hơn.
Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người bệnh bằng liệu pháp tâm lý, hàng năm, Khoa đều nghiên cứu, triển khai các kỹ thuật mới. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Khoa đã triển khai thêm các kỹ thuật mới như: Sử dụng Pep-r trong đánh giá tự kỷ; thang đánh giá lo âu - trầm cảm - stress; trắc nghiệm Eysenck...
Trong thời đại công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự ô nhiễm môi trường, con người phải đối diện với nhiều xung đột và stress tâm lý, nhiều bệnh nhi mắc hội chứng tự kỷ, liệu pháp tâm lý đã đóng góp tích cực vào công tác chữa trị các bệnh tâm thần và các rối loạn tâm lý. Mong rằng, trong thời gian tới, Khoa Tâm ký lâm sàng - Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp tục áp dụng những liệu pháp tâm lý hiện đại cho người bệnh, giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.