Hà Nội

Liệu pháp sắt dạng uống: Trường hợp nào không được dùng?

31-10-2019 06:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sắt là yếu tố sống còn cho tất cả các sinh vật sống vì nó rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất bao gồm vận chuyển oxy, tổng hợp DNA.

Đối với các trường hợp thiếu sắt, việc bổ sung bằng đường uống là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả. Vậy có những dạng sắt nào và những trường hợp nào không nên áp dụng liệu pháp này?

Hậu quả thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt được định nghĩa là giảm lượng sắt trong toàn bộ cơ thể dẫn tới giảm sinh hồng cầu mới, qua đó gây ra thiếu máu. Chế độ dinh dưỡng không cân bằng, hấp thu chất sắt kém, mất máu thường xuyên có thể là nguyên nhân gây ra thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt làm ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt, lao động thể chất của người lớn và nó làm giảm cả sự tăng trưởng và mức độ tập trung trong học tập ở trẻ em. Ngoài ra, thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu động mạch vành và suy tim, nhồi máu cơ tim.

Liệu pháp sắt dạng uốngMột số thực phẩm giàu sắt như gan, trứng, hải sản, đậu đỗ, rau chân vịt.

Liệu pháp sắt dạng uống

Muối sắt dạng uống: Là phương pháp hiệu quả và kinh tế nhất để điều trị thiếu máu thiếu sắt. Trong số các muối sắt khác nhau có sẵn, sắt sulfat là dạng muối sử dụng phổ biến nhất. Liều lượng của sắt sulfat hay được sử dụng là 325mg (65mg sắt nguyên tố) được chia ra uống 3 lần/ngày. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc bổ sung lượng lớn chất sắt có thể gây phản tác dụng. Vai trò quan trọng của hepcidin trong huyết tương để điều chỉnh cân bằng sắt đã được tìm hiểu kĩ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi uống một lượng lớn chất sắt vào buổi sáng, kết quả việc tăng nồng độ sắt trong huyết tương sẽ kích thích sự gia tăng hepcidin, do đó sẽ cản trở việc hấp thụ một liều sắt được uống sau đó và sự ức chế hấp thu sắt có thể kéo dài đến 48 giờ. Các nhà khoa học khuyến cáo liều lượng thấp từ 40-80mg sắt nguyên tố mỗi ngày có thể tác dụng hiệu quả và gây ít tác dụng phụ hơn liều lượng truyền thống. Để thúc đẩy sự hấp thụ, bệnh nhân nên tránh uống trà và cà phê và có thể uống vitamin C kèm theo. Bệnh nhân nên được tiếp tục trong khoảng 2 tháng sau khi hết thiếu máu để lượng sắt dự trữ trong cơ thể được phục hồi lại.

Muối sắt carbonic: Được khuyên dùng cho phụ nữ có thai hay cho con bú vì được xem là an toàn hơn đối với trẻ em còn đang bú sữa mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy sắt carbonic ít gây hại cho dạ dày hơn, tuy nhiên, tính sinh khả dụng (khả năng được hấp thụ vào cơ thể) khoảng xấp xỉ 70% so với một lượng muối sắt sulfate tương tự.

Sắt sucrose: Thường được kết hợp với erythropoietin để điều trị thiếu máu thiếu sắt ở người lớn bị bệnh thận mạn tính. Thiếu sắt ở những bệnh nhân này là do mất máu trong quá trình lọc máu và sự hấp thu sắt không đầy đủ từ đường tiêu hóa. Nguy cơ gia tăng sốc phản vệ với sắt sucrose thấp hơn so với các loại thuốc khác.

Tiêu chuẩn thông thường để bổ sung sắt thành công là tăng 2g/dL mức hemoglobin (Hb) trong 3 tuần. Tuy nhiên, phân tích của các nhà khoa học kết luận rằng ở những bệnh nhân được bổ sung sắt bằng viên uống, đo Hb vào ngày 14 cho thấy tăng 1g/dL. Lượng hemoglobin vào ngày 14 có thể là một công cụ hữu ích cho các bác sĩ lâm sàng trong việc xác định liệu và khi nào chuyển bệnh nhân từ uống sang truyền tĩnh mạch.

Liệu pháp sắt dạng uốngBệnh nhân thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm tránh bổ sung sắt bằng đường uống.

Sắt carboxymaltose: Gần đây, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận thuốc injectafer dạng truyền tĩnh mạch để điều trị thiếu máu do thiếu sắt ở người lớn không thể dung nạp hoặc không đáp ứng tốt với sắt uống. Thuốc cũng được chỉ định để điều trị thiếu máu thiếu sắt ở người lớn có bệnh thận mãn tính nhưng không phải lọc thận. Phương pháp này đắt tiền và có nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn so với chế phẩm dạng uống. Liệu pháp điều trị này đã phát huy tác dụng và hiệu quả ở những bệnh nhân bị bệnh viêm ruột mạn tính vì các loại muối sắt sulfate có thể làm trầm trọng thêm chứng viêm ruột.

Trường hợp nào không được bổ sung sắt?

Ở hầu hết bệnh nhân, thiếu sắt được điều trị bằng bổ sung viên sắt dạng uống và khắc phục nguyên nhân cơ bản như tránh mất máu…để thiếu hụt sắt không tái phát. Tuy nhiên, có những trường hợp cần tránh bổ sung sắt:

Người bệnh có chứng rối loạn quá tải sắt vi lượng: Như các bệnh nhân thiếu máu lưỡi liềm bẩm sinh. Ngoài việc sử dụng viên sắt dạng uống thì có thể điều trị bằng cách truyền vào tĩnh mạch nếu các chế phẩm uống không được dung nạp tốt.

Phụ nữ sau mãn kinh thường không đáp ứng với việc bổ sung sắt, kể cả sắt dạng tiêm vào tĩnh mạch do thiếu hụt hormon androgen dẫn tới sự chuyển hóa sắt trong cơ thể thiếu hiệu  quả. Tình trạng này chỉ đáp ứng tốt với sự thay thế hormon androgen.


DS. Tạ Thanh Sơn
Ý kiến của bạn
Tags: