Liệu pháp nội tiết có làm tăng nguy cơ ung thư vú?

03-04-2022 13:45 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Kết quả nghiên cứu ở Mỹ đã khẳng định thêm một lần nữa: Sử dụng liệu pháp nội tiết cho phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh có thể gây nguy hại cho sức khỏe và cả tính mạng của họ.

Thuốc và các phương pháp chẩn đoán có sử dụng phóng xạ có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư là một thực tế chúng ta cần biết và cố gắng loại trừ.

1. Tăng nguy cơ ung thư vú khi dùng liệu pháp nội tiết

photo-1648794933686

Hình ảnh ung thư vú

Đầu những năm 1990, liệu pháp nội tiết đã được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ như một phương thức để làm họ trẻ, đẹp, sống lâu và phòng được mọi bệnh tật. Nhưng sau đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy việc này rất nguy hiểm. Theo nghiên cứu được báo cáo tại hội thảo về ung thư vú gần đây nhất ở San Antonio, Mỹ: Việc sử dụng hỗn hợp estrogen và progestin trong vòng 2 năm trở lên làm tăng khả năng mắc ung thư vú ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh lên 2 lần.

Bác sĩ Rowan Chlebowski và cộng sự đã theo dõi và nghiên cứu 16.608 phụ nữ ở tuổi ngoài 50. Trong số họ, một nhóm được chỉ định dùng prempro (hỗn hợp của estrogen và progestin), nhóm còn lại sử dụng giả dược (placebo). Thử nghiệm này đã phải dừng lại chỉ sau 2 năm, khi các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ bệnh ung thư vú tăng 26% ở nhóm người dùng prempro.

Các tác giả đã tiếp tục theo dõi 15.387 phụ nữ sau khi thôi sử dụng liệu pháp nội tiết trong vòng 5,5 năm và kết quả cho thấy sự gia tăng gấp đôi các trường hợp ung thư vú (100%) ở nhóm sử dụng prempro.

Mặc dù trước đó nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về việc cần thận trọng khi sử dụng liệu pháp nội tiết, nhưng các thuốc này vẫn được khuyên sử dụng rộng rãi. Cho đến năm 2002, Viện nghiên cứu sức khỏe của Mỹ đã phải dừng trước thời gian thử nghiệm lâm sàng của họ với mục đích chứng minh tác dụng phòng bệnh tim mạch, ung thư, loãng xương, giảm trí nhớ... của liệu pháp nội tiết.

Các nhà nghiên cứu thấy thuốc nội tiết đã làm tăng nguy cơ chứ không giảm cho đại bộ phận các bệnh họ định phòng ngừa. Đặc biệt, liệu pháp nội tiết làm tăng mạnh tỷ lệ bệnh ung thư vú, chứng mất trí nhớ do thiểu năng tuần hoàn và các bệnh liên quan đến hệ tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Một nghiên cứu sau đó 5 năm đã cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm từ 2002 - 2004, khi các bác sĩ không hay kê đơn các thuốc có estrogen cho phụ nữ, số lượng các trường hợp ung thư vú ở phụ nữ Mỹ đã giảm gần 11%.

2. Hãy sử dụng thuốc một cách thông minh

photo-1648794935972

Các thói quen đều rất khó bỏ, mặc dù bằng chứng về tác hại của liệu pháp nội tiết đã ngày càng rõ ràng và nhiều hơn lợi ích của nó nhưng một số bác sĩ vẫn tiếp tục khuyên phụ nữ dùng nó để chữa chứng bốc hỏa ở tuổi tiền mãn kinh. Trong khi chính luyện tập thể dục, ăn nhiều thức ăn có đậu nành, dùng một số thảo dược và các chất khoáng như magie, vitamin D3, uống đủ nước, giảm ăn mặn, giảm các chất kích thích trong khẩu phần ăn... đã được nghiên cứu và cho thấy tác dụng phòng và chữa trị hiệu quả chứng bốc hỏa và các rối loạn về tâm sinh lý cho phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh.

Với sự phát triển của công nghệ y dược ngày càng có nhiều hơn các thuốc hoặc liệu pháp điều trị can thiệp vào từng chức năng sinh lý của tế bào, các chỉ số sinh hoá, các nội tiết tố và các cảm thụ quan của chúng.

 Các phương pháp này rất hấp dẫn người bệnh và bác sĩ bởi chúng có thể làm giảm một số triệu chứng và làm đẹp các chỉ số trên xét nghiệm trong một thời gian, nhưng về lâu dài chúng tiềm ẩn những tác hại và khả năng gây bệnh tật cho người sử dụng. Với nhiều người, khi các biến chứng xảy ra thì đã muộn để họ có thể thay đổi tình thế.

Thực tế có tới hơn 80% các thủ thuật, liệu pháp, thuốc men, thực phẩm chức năng, thuốc dược thảo được sử dụng trong các bệnh viện cũng như ở cộng đồng một cách hiệu quả và an toàn. Trong khi đó, nhiều thuốc men, chỉ định phẫu thuật... được chấp nhận và sử dụng rộng rãi đã không mang lại hiệu quả và trong một số trường hợp còn làm hại người bệnh.

Bài học liên quan đến liệu pháp nội tiết cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh nhắc chúng ta một điều: Không phải cứ người Mỹ và châu Âu làm gì chúng ta phải theo vậy, đặc biệt trong lĩnh vực y dược.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C



BS.TS. Hoàng Xuân Ba
Ý kiến của bạn