Hà Nội

Liệu pháp mới trong điều trị bệnh Crohn

17-11-2022 15:22 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh Crohn là một tình trạng bệnh tiến triển, mạn tính và tái phát của hệ tiêu hóa. Việc điều trị bệnh Crohn vẫn đang là một thách thức...

1.Biểu hiện của bệnh Crohn

Theo Hội tiêu Hóa Việt Nam, bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến đoạn xa của hồi tràng và ruột kết, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa; là một bệnh mạn tính, gây ra nhiều triệu chứng toàn thân.

Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng, chít hẹp, áp-xe, lỗ rò trong và ngoài, tắc ruột... Bệnh có thể có các triệu chứng ngoài ruột, đặc biệt là ở trẻ em. 

Các biểu hiện sớm phổ biến nhất của bệnh Crohn:

  • Tiêu chảy mạn tính kèm theo đau bụng, sốt, chán ăn và sụt cân.
  • Một số trường hợp có tình trạng chảy máu trực tràng.
  • Đau bụng cấp tính giả viêm ruột thừa cấp hoặc tắc ruột.
  • Có bệnh lý quanh hậu môn (đặc biệt là nứt và rò hậu môn).

Ở trẻ em, các biểu hiện ngoài tiêu hóa (viêm khớp, sốt không rõ nguyên nhân, chậm lớn, thiếu máu) thường rõ hơn các biểu hiện ở đường tiêu hóa (không xuất hiện đau bụng, tiêu chảy).

Mục tiêu mới trong điều trị bệnh Crohn - Ảnh 1.

Bệnh Crohn có nhiều biến chứng nặng.

2. Mục tiêu mới trong điều trị bệnh Crohn

Khi bệnh Crohn đã hình thành thì hiếm khi được chữa khỏi hoàn toàn. Một số bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn nặng có những cơn đau thường xuyên, dẫn đến suy nhược. 

Việc điều trị nhằm mục đích thuyên giảm triệu chứng các đợt cấp và giúp bệnh không xảy ra liên tục. Khi lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp bằng thuốc hoặc/và phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân đáp ứng điều trị.

Trong một báo cáo khoa học của BS.Hồ Tấn Phát (Bệnh viện Chợ Rẫy) tại Hội nghị tiêu hóa toàn quốc mới đây cho biết: Trong những năm gần đây, các mục tiêu điều trị bệnh Crohn đã phát triển do sự ra đời của liệu pháp sinh học. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị tập trung vào việc khởi phát và duy trì sự thuyên giảm lâm sàng rất ít tác dụng đối với sự tiến triển tự nhiên của bệnh. 

Do đó, liệu pháp điều trị nhằm mục đích đạt được sự thuyên giảm sâu, bao gồm thuyên giảm lâm sàng, thuyên giảm sinh học và chữa lành niêm mạc có thể là chiến lược hiệu quả nhất để thay đổi tiến trình tự nhiên của bệnh Crohn, ngăn ngừa tàn tật và hủy hoại ruột.

Mô hình điều trị bệnh Crohn thay đổi, nhấn mạnh vào can thiệp điều trị sớm, liệu pháp nhắm mục tiêu và chiến lược kiểm soát chặt chẽ. Khi điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, cho phép giảm hoặc ngừng sử dụng thuốc.

Thuốc ức chế sinh học là loại thuốc được biến đổi gen, nhằm vào một số phân tử trong cơ thể có liên quan đến việc gây viêm. Thuốc được kê đơn cho những bệnh nhân Crohn khó chữa không đáp ứng với các loại thuốc khác hoặc cho bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng. Thuốc ức chế sinh học làm thuyên giảm nhanh các triệu chứng viêm đường ruột, có thể được sử dụng lâu dài giúp duy trì thời gian thuyên giảm bệnh.

Mục tiêu mới trong điều trị bệnh Crohn - Ảnh 3.

Các thuốc điều trị bệnh Crohn nhằm mục đích thuyên giảm triệu chứng các đợt cấp.

Các liệu pháp thuốc ức chế sinh học cho bệnh Crohn bao gồm: Liệu pháp anti TNF (adalimumab, certolizumab pegol, infliximab), thuốc ức chế interleukin (ustekinumab)...

- Liệu pháp anti TNF nhắm vào một loại protein có liên quan đến chứng viêm. Đối với bệnh Crohn, liệu pháp anti TNF hoạt động bằng cách ngăn chặn tình trạng viêm do protein này gây ra trong ruột.

Thuốc anti TNF có thể gia tăng rủi ro cho bệnh nhân đang mắc một số bệnh về tim, như suy tim. Cần thông báo cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt nếu thấy khó thở hoặc sưng bàn chân khi dùng thuốc anti TNF điều trị bệnh Crohn.

- Thuốc ức chế interleukin (ustekinumab) thuộc nhóm thuốc kháng thể đơn dòng (kháng thể ức chế IL-12 và IL-23) - được khám phá trong việc điều chỉnh tình trạng viêm niêm mạc trong ruột. Hiện thuốc đã được cho phép chỉ định rộng rãi trong điều trị bệnh Crohn.

Ustekinumab thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch. Ngoài chỉ định cho bệnh Crohn, thuốc còn đươc sử dụng để điều trị cho viêm đại tràng, kiểm soát bệnh viêm loét đại tràng mức độ trung bình đến nặng.

Tác dụng phụ thường gặp của ustekinumab là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn răng miệng, viêm mũi họng; chóng mặt, đau đầu; tiêu chảy, buồn nôn; ngứa; đau cơ/ khớp/ lưng; đau hoặc nổi ban đỏ tại vị trí tiêm, cơ thể mệt mỏi. Do đó những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị nhiễm khuẩn mạn tính, mắc bệnh ác tính… cần thận trọng khi chỉ định thuốc.

Thuốc có tương tác bất lợi với thuốc chống đông máu wafarin, thuốc ức chế miễn dịch azathioprine, cyclosporine, methotrexate…; các steroid (dexamethason, methylpresnisolone, prednisolone…). Do đó bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về các thuốc mình đang sử dụng, kể cả vitamin và chất bổ sung dinh dưỡng, các thảo dược khác.

Mời độc giả xem thêm video:

Tai nạn liên hoàn trên phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội: Nữ tài xế có sử dụng rượu bia? | SKĐS

Thu Hà
Ý kiến của bạn