Ung thư tiền liệt tuyến kháng cắt tinh hoàn di căn rất khó trị
Ung thư tiền liệt tuyến thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Ung thư tiền liệt tuyến kháng liệu pháp cắt tinh hoàn di căn là những trường hợp sau điều trị bằng liệu pháp cắt tinh hoàn, mà ung thư vẫn tiến triển và đã lan sang các phần khác của cơ thể. Điều trị bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến kháng cắt tinh hoàn di căn sẽ giúp cải thiện các triệu chứng hiện tại của người bệnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn di căn rất khó điều trị. Trước đây, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt thuốc enzalutamide, một thuốc kháng androgen không steroid, để điều trị cho những bệnh nhân này. Thuốc được đánh giá khá hiệu quả, tuy nhiên, có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng: Nhức đầu, lú lẫn, mất thị lực, co giật, suy nhược, đau lưng, chán ăn, táo bón, đau khớp, tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp trên, sưng, giảm cân, tăng huyết áp, chóng mặt…
Liệu pháp kết hợp mới an toàn, hiệu quả hơn
Mới đây, nghiên cứu tại Đại học Utah ở Thành phố Salt Lake (Hoa Kỳ) cho thấy, việc dùng liệu pháp kết hợp giữa talazoparib (một thuốc có thể giúp làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của khối u ác tính) và enzalutamide để điều trị ung thư tiền liệt tuyến kháng cắt tinh hoàn di căn, tốt hơn nhiều so với giả dược kết hợp với thuốc enzalutamide.
Các nhà khoa học đã chỉ định ngẫu nhiên cho 805 bệnh nhân mắc ung thư tiền liệt tuyến kháng cắt tinh hoàn di căn dùng thuốc talazoparib kết hợp với enzalutamide hoặc giả dược kết hợp với enzalutamide.
Kết quả cho thấy, so với nhóm dùng giả dược kết hợp với enzalutamide, ở nhóm dùng talazoparib kết hợp với enzalutamide, thời gian bệnh không tiến triển đã được cải thiện đáng kể.
Những người dùng talazoparib kết hợp với enzalutamide tỷ lệ đáp ứng kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt trên 50% và thời gian tiến triển của PSA giảm...
Các chuyên gia cho hay, liệu pháp kết hợp này không chỉ trì hoãn sự tiến triển của bệnh mà còn làm chậm đáng kể tiến trình của các chỉ số PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt) và kéo dài thời gian khiến bệnh nặng lên cho đến khi cần hóa trị so với nhóm đối chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo, nam giới trên 50 tuổi nên khám sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này, giảm thiểu các hậu quả khó lường có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược axit dạ dày vào buổi sáng.