Liệu pháp mới điều trị đa u tủy xương

08-12-2017 13:33 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - U tủy xương(Multiple Myeloma: MM) cho đến nay vẫn được xem là bệnh hiểm nghèo và tiên lượng xấu ở đa số bệnh nhân.

Tuy nhiên, gần đây, y học đã ghi nhận nhiều triển vọng trong điều trị. Những tiến bộ đáng kể trong cả liệu pháp điều trị và liệu pháp hỗ trợ đã góp phần vào những kết quả cải thiện này.

MM chiếm khoảng 2% trong số tất cả các trường hợp ung thư mới được chẩn đoán ở Anh với tỉ lệ mắc điều chỉnh theo tuổi hàng năm là 9,5/100.000 người. Tỉ lệ mắc đã tăng 14% trong 10 năm qua. Bệnh này phổ biến ở nam giới. Tuổi trung bình của bệnh rơi vào khoảng 70 tuổi, chỉ có 15% bệnh nhân dưới 60 tuổi được chẩn đoán.

Cấy ghép tế bào gốc tự thân

Mặc dù không được sử dụng với mục đích chữa bệnh, song cấy ghép tế bào gốc tự thân là liệu pháp giúp cải thiện sự sống còn cho bệnh nhân trong khoảng 12 tháng khi so sánh với hóa trị liệu truyền thống. Tác nhân alkyl hóa được xem là tiêu chuẩn vàng trong ba thập kỷ qua là melphalanIV, mặc dù chúng ta vẫn đang cố gắng nâng cao hiệu quả của melphalan IV bằng cách kết hợp với một loại thuốc thứ hai như busulfan hoặc bortezomib.

Hình ảnh đa u tuỷ xương .

Hình ảnh đa u tuỷ xương .

Để xây dựng cường độ tăng liều trong cấy ghép tế bào gốc tự thân, một số nghiên cứu đã được tiến hành nhằm phân tích vai trò cấy ghép tuần tự hoặc song song. Tuy nhiên, tại Anh, chiến lược điều trị được sử dụng phổ biến nhất là thu thập đủ tế bào gốc cho hai thủ thuật nhưng trì hoãn đợt cấy ghép thứ hai cho đến khi bệnh nhân thực sự tái phát. Chiến lược này được hỗ trợ bởi nghiên cứu gần đây NCRI Myeloma X của Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Anh (NICE) chứng minh lợi ích sống còn cải thiện lên tới 15 tháng (tỉ lệ sống trung bình 67 tháng so với 52 tháng) trong cấy ghép tế bào gốc tự thân lần 2, so với biện pháp trước đó (hóa trị liệu kết hợp với cyclophosphamide hàng tuần trên những bệnh nhân được tái khởi trị dựa trên điều trị nền với bortezomib sau tái phát lần đầu). Hướng dẫn điều trị NICE gần đây khuyến cáo rằng, cấy ghép tế bào gốc tự thân lần hai được chỉ định ở những bệnh nhân có đáp ứng với lần cấy ghép đầu tiên sau ít nhất 2 năm và được cân nhắc ở những bệnh nhân có thời gian đáp ứng ngắn hơn (12-24 tháng) sau lần cấy ghép đầu tiên.

Vai trò của liệu pháp duy trì

Với những lợi ích rõ ràng trên các bệnh nhân mới chẩn đoán hay tái phát, các thuốc mới đã được sử dụng nhiều hơn để duy trì đáp ứng sau cấy ghép tế bào gốc tự thân. Trong trường hợp này, thalidomide mang lại ít lợi ích sống còn cao, nhưng vẫn có nhiều lo ngại về độc tính khi sử dụng lâu dài (đặc biệt với liều >150mg/ngày). Một nghiên cứu báo cáo tỉ lệ bệnh lý thần kinh ngoại vi là 75% ở bệnh nhân dùng thuốc trong thời gian > 12 tháng. Các dữ liệu gần đây về thuốc mới lenalidomide cho thấy tỉ lệ sống còn khi được dùng thuốc này khá cao. Ví dụ, một phân tích tổng hợp được trình bày tại Hội nghị ung thư quốc tế ASCO đã phân tích dữ liệu từ 3 nghiên cứu lớn và cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong tỉ lệ sống còn chung sau 7 năm điều trị duy trì lenalidomide so với giả dược (62% so với 50%, P = 0.001). Gần đây, dữ liệu từ nghiên cứu Myeloma XI tại Anh đã được trình bày tại Hội nghị Huyết học Hoa Kỳ thường niên ASH cho thấy, sự cải thiện đáng kể trong tỉ lệ sống còn, không cần các liệu pháp duy trì từ 19 tháng lên đến 37 tháng đối với bệnh nhân sử dụng lenalidomide 10mg mỗi ngày từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 21 của chu kỳ 28 ngày. Mặc dù có sự gia tăng tỉ lệ các khối u ác tính thứ phát ở nhóm sử dụng lenalidomide nhưng người ta nhận thấy rằng nguy cơ này nhỏ hơn nhiều so với lợi ích sống còn mang lại của lenalidomide.

Quản lý bệnh tái phát

Hầu như tất cả các bệnh nhân đa u tủy xương sẽ bị tái phát sau điều trị ban đầu. Lựa chọn điều trị tại thời điểm này sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: Điều trị trước đó, thời gian đáp ứng trong điều trị ban đầu, tình trạng của bệnh nhân và các phản ứng phụ của các thuốc trước đó. Hướng dẫn NICE hiện tại khuyến cáo lựa chọn bortezomib ở lần tái phát đầu tiên và cấy ghép tế bào gốc tự thân lần hai sẽ được cân nhắc chỉ định cho những bệnh nhân đáp ứng tốt với liệu pháp tái điều trị và có thời gian đáp ứng với lần cấy ghép đầu tiên ít nhất 12 tháng. Lenalidomide phối hợp với dexamethasone được khuyến cáo điều trị cho tái phát lần hai, dựa trên kết quả của nghiên cứu MM009 và MM010 chứng minh lợi ích sống còn tăng lên 6,4 tháng khi so sánh với dexamethason đơn liều. Lenalidomide được sử dụng với liều 25mg/ngày trong 21 ngày trong chu kỳ 28 ngày và bắt buộc phải giảm liều ở bệnh nhân suy thận. Dexamethasone thường được dùng với liều 40mg/lần mỗi tuần và giảm xuống còn 10-20mg,lần mỗi tuần ở các bệnh nhân thể trạng yếu.

Gần đây, NICE đã chấp thuận sự kết hợp của panobinostat (một thuốc ức chế histamin deacetylase đường uống) với bortezomib và dexamethasone ở những bệnh nhân đã được điều trị ít nhất 2 lần trước đó với bortezomib và một thuốc điều hòa miễn dịch. Một thử nghiệm quan trọng của panobinostat (PANORAMA 1) cho thấy sự cải thiện đáng kể về tỉ lệ sống còn không bệnh (12 tháng so với 8,1 tháng). Các phân tích tỉ lệ sống còn chung gần đây đã không cho thấy sự cải thiện đáng kể về tỉ lệ sống còn trung bình (40,3 tháng so với 35,8 tháng, P = 0.54). Panobinostat có tỉ lệ phản ứng phụ tiêu chảy độ 3 cao (25% các bệnh nhân ở thử nghiệm PANORAMA 1), một số bác sĩ sẽ khuyên dùng liều thấp để cải thiện khả năng dung nạp. Thuốc điều hòa miễn dịch pomabilomide đã chứng tỏ hiệu quả (cải thiện tỉ lệ sống còn trung bình 5 tháng so với dexamethasone liều cao đơn thuần) trên những bệnh nhân thất bại với cả bortezomib và lenalidomide. Gần đây, pomabilomide đã được NICE chấp thuận như là một lựa chọn điều trị thứ tư cho những bệnh nhân này.


DS. Nguyễn Hải Đăng
Ý kiến của bạn