Một nhóm các nhà khoa học Australia mới đây đã công bố một nghiên cứu mang tính đột phá về khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em mắc chứng dị ứng lạc thông qua một liệu pháp miễn dịch kết hợp bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột, có hiệu quả duy trì khả năng dung nạp sau 4 năm.
Dị ứng lạc
Dị ứng lạc (đậu phộng) là loại dị ứng khá phổ biến trong nhóm dị ứng thức ăn, thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở các nước phương Tây. Dị ứng lạc là nguyên nhân phổ biến nhất trong dị ứng thức ăn dẫn đến sốc phản vệ, là loại phản ứng mạnh nhất của cơ thể và có thể đe doạ tính mạng, và được coi là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất do dị ứng thực phẩm.
Nhìn chung, dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể xác định nhầm rằng thức ăn đó là mối nguy hiểm cho cơ thể, và cho rằng cơ thể đang bị tấn công nên huy động các tế bào bạch cầu để bảo vệ và gây ra phản ứng dị ứng. Protein trong thực phẩm là chất gây dị ứng phổ biến nhất trong dị ứng thực phẩm.
Phát hiện mới trong điều trị dị ứng lạc ở trẻ em
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Australia đã có một phát hiện đột phá trong việc điều trị dị ứng lạc ở trẻ em.
Nhiều nghiên cứu về điều trị dị ứng lạc được tiến hành.
Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ đã được tiến hành tại Viện nghiên cứu Trẻ em Murdoch (Melbourne, Australia), các nhà khoa học đã làm việc với 48 trẻ bị dị ứng lạc. Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nhà miễn dịch học và dị ứng học, GS. Mimi Tang, đã phát triển một phương pháp điều trị gọi tắt là PPOIT, trong đó kết hợp sử dụng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (probiotic) với liệu pháp miễn dịch đường uống có chứa protein của lạc. Thay vì khuyên bệnh nhân tránh ăn chất gây dị ứng, phương pháp này được thiết kế nhằm tái lập trình phản ứng của hệ miễn dịch đối với lạc và cuối cùng là giúp cơ thể có khả năng dung nạp loại thức ăn này.
Hai phần ba số trẻ được điều trị bằng cách uống bổ sung probiotic dòng Lactobacillus rhamnosus (một dòng vi khuẩn có lợi được cho là có thể ngăn ngừa một số triệu chứng dị ứng) kết hợp với một lượng nhỏ protein của lạc, với liều lượng ngày càng tăng dần, và số còn lại được cho uống giả dược, một lần mỗi ngày, trong vòng 18 tháng.
Khi kết thúc giai đoạn nghiên cứu ban đầu vào năm 2013, 82% trẻ trong số trẻ được điều trị bằng liệu pháp này được cho là đã dung nạp được lạc mà không hề có các triệu chứng dị ứng, trong khi nhóm dùng giả dược chỉ có 4% trẻ có thể dung nạp lạc.
4 năm sau, đa phần số trẻ có được khả năng dung nạp sơ bộ trên vẫn có thể tiếp tục ăn lạc trong khẩu phần ăn thường xuyên và 70% trẻ vượt qua bài kiểm tra để xác định rằng trẻ đã có được khả năng dung nạp dài hạn. Bà Tang cho biết: “Những đứa trẻ này đã ăn lạc một cách thoải mái trong khẩu phần ăn thông thường mà không phải theo bất kỳ chế độ tính lượng lạc ăn vào nào trong những năm sau khi kết thúc điều trị với liệu pháp này”. Những đứa trẻ mà khi mới tham gia nghiên cứu bị dị ứng lạc, phải tránh ăn lạc, luôn luôn phải lo lắng, đề phòng các món ăn có lạc nhưng đến cuối đợt điều trị, thậm chí là sau 4 năm, rất nhiều trong số những đứa trẻ này đã có thể sinh hoạt như những đứa trẻ chưa từng bị dị ứng lạc.”
Hy vọng rằng phương thức điều trị này có thể giúp chống lại việc số trẻ em bị dị ứng thức ăn gia tăng ngày càng mạnh.
Khi nào có thể ăn lạc một cách an toàn?
Ở các nước phương Tây, do dị ứng lạc là loại dị ứng cực kỳ phổ biến và có thể có nguy cơ tử cong cao, các khuyến cáo về cho trẻ ăn lạc thường rất nghiêm ngặt.
Nếu có nguy cơ dị ứng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
-Rất khó để xác định khi nào ăn lạc là an toàn vì các hướng dẫn thường theo hướng nếu bị dị ứng lạc thì không nên ăn lạc.
-Hiện nay, lạc được cho là an toàn trong thai kỳ.
-Nếu không có người trong gia đình có tiền sử dị ứng hoặc nổi mề đay/chàm thì có thể sử dụng bơ lạc và các loại hạt hoặc hạt đã nghiền vỡ sau 6 tháng.
-Nếu có thêm nguy cơ, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ.
-Nghiên cứu này cho thấy việc cho trẻ ăn lạc một cách cẩn trọng đặc bikeet như trong nghiên cứu có thể giúp trẻ bị dị ứng lạc, nhưng cha mẹ không nên thử nghiệm.
- Trẻ dưới 5 tuổi không nên cho ăn nguyên một hạt.