Một công trình nghiên cứu mới do các nhà khoa học thuộc Viện đại học Bang Ohio phối hợp cùng Viện nghiên cứu Richard J. Solove, Hoa Kỳ, đã cho thấy việc biến đổi gen các tế bào miễn dịch có khả năng điều trị được chứng bệnh đa u tủy mà hiện nay y học vẫn còn... bó tay.
Các nhà nghiên cứu đã biến đổi một dạng tế bào miễn dịch ở người, được gọi là lympho - bào T, để nhắm vào một phân tử, gọi là CSI, có mặt hơn 95% trong tế bào u tủy và tiêu diệt các tế bào này. Các nhà nghiên cứu đã nuôi dưỡng các tế bào được biến đổi này trong phòng thí nghiệm để làm tăng số lượng của chúng rồi sau đó tiêm chúng vào trong con vật thử nghiệm để một lần nữa chúng sẽ tiêu diệt các tế bào của u tủy.
Hiện nay, với thuốc điều trị hay liệu pháp ghép tủy vẫn không thể chữa lành được chứng bệnh đa u tủy. Công trình nghiên cứu này đưa ra một hướng điều trị hoàn toàn mới cho chứng bệnh này và đã có kết quả đáng khích lệ mặc dù mới trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Một lợi ích quan trọng của liệu pháp này là các lympho - bào T được biến đổi có khả năng nhân bản trong cơ thể và như vậy chúng có thể chặn đứng được sự tăng sinh của khối u và có khả năng phòng ngừa tái phát trong một thời gian dài lâu.
BS. NGUYỄN VĂN THÔNG
(Theo ScienceDaily, 5/2014)