Viêm loét đại tràng (UC) là một bệnh mạn tính, đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Các biện pháp điều trị hiện nay nhằm mục đích tăng khoảng thời gian giữa các đợt bùng phát và làm giảm triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm: Chít hẹp đại tràng, rò ruột, áp xe đại trực tràng, thủng ruột hoặc phình đại tràng nhiễm độc, chảy máu…
Phẫu thuật là lựa chọn sau cùng, tuy có thể chữa khỏi các triệu chứng tiêu hóa của viêm loét đại tràng, nhưng phẫu thuật không chữa khỏi các vị trí bị ảnh hưởng khác. Hơn nữa bệnh nhân sẽ chịu một số biến chứng sau mổ, hậu quả của cắt 1 đoạn ruột dài.
Nghiên cứu mới đây đã đưa ra triển vọng giúp tỉ lệ cao chữa khỏi hoặc có thời gian kéo dài hơn các đợt bùng phát của viêm loét đại tràng từ trung bình đến nặng.
Đây là thử nghiệm ngẫu nhiên đầu tiên, có đối chứng để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của liệu pháp phối hợp với chất đối kháng interleukin (IL) -23p19 (guselkumab) và chất đối kháng alpha (TNFα) (golimumab) trong điều trị tình trạng này.
Trong nghiên cứu, những bệnh nhân là người lớn, có viêm loét đại tràng từ trung bình đến nặng được chọn ngẫu nhiên, chia làm 3 nhóm, nhận các liệu pháp: Phối hợp guselkumab và golimumab; guselkumab đơn trị liệu và golimumab đơn trị liệu.
Sau khi đánh giá vào tuần thứ 12, bệnh nhân trong nhóm đơn trị liệu tiếp tục điều trị được chỉ định ban đầu, trong nhóm điều trị kết hợp chuyển sang dùng guselkumab một mình như một liệu pháp duy trì. Các nhà nghiên cứu đã phân tích, đánh giá sự thuyên giảm triệu chứng, cải thiện qua hình ảnh nội soi ở tuần 38 và tiếp tục theo dõi, đánh giá đến tuần thứ 50.
Kết quả cho thấy 47,9% bệnh nhân trong nhóm sử dụng liệu pháp phối hợp đã thuyên giảm lâm sàng ở tuần thứ 38 so với 31% và 20,8% bệnh nhân chỉ dùng guselkumab hoặc golimumab tương ứng.
Khi so sánh các biến cố bất lợi có thể gặp trong tuần thứ 50, giữa các nhóm liệu pháp: Phối hợp, nhóm guselkumab và nhóm golimumab có tỷ lệ tương ứng là 63,4%, 64,8% và 76,4%. Tỉ lệ nhiễm trùng lần lượt là 31,0%, 23,9% và 31,9%.
Tất cả các nhóm đều có tỷ lệ mắc các bệnh về các biến cố bất lợi nghiêm trọng như nhau là 5,6% và tỷ lệ nhiễm trùng nghiêm trọng như nhau là 2,8%.
BS. Jan Wehkamp, trưởng khoa tiêu hóa tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai (Mỹ) cho biết: Những dữ liệu mới này cho thấy lợi ích lâm sàng tiềm năng của việc kết hợp guselkumab và golimumab trong việc điều trị viêm loét đại tràng ở người lớn. Trong 38 tuần điều trị, liệu pháp kết hợp guselkumab và golimumab có hiệu quả ở những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng từ trung bình đến nặng mà các phương pháp điều trị thông thường trước đây kém hiệu quả.
Mời độc giả xem thêm video:
Uống quá nhiều cà phê có thể gặp tác dụng phụ gì?