Vì sao phải sử dụng liệu pháp hormon thay thế?
Phụ nữ ngay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh khoảng 2-5 năm trước khi mất hẳn kinh nguyệt, các hormon nữ đã bắt đầu suy giảm, với các triệu chứng rất sớm như: Dễ bị đau đầu hay bị nhức nửa đầu, rối loạn giấc ngủ, da khô, xuất hiện nếp nhăn, tóc khô dễ rụng, đứt gãy, dễ tăng cân, giảm cảm giác ham muốn tình dục, đau khi quan hệ tình dục, dễ mệt mỏi, cáu gắt, nóng bừng, bốc hỏa... Hậu quả của mãn kinh xuất hiện ngay ở tuổi 45 với kinh nguyệt không đều, rối loạn vận mạch (cơn bốc hỏa, vã mồ hôi đêm), ở tuổi 50-55 với triệu chứng rối loạn tính khí, teo tiết niệu sinh dục, teo da và sau 60 tuổi kèm theo loãng xương, bệnh lý tim mạch.
Việc sử dụng liệu pháp hormon thay thế có thể giúp giảm các triệu chứng của phụ nữ như làm chậm quá trình lão hóa da, phòng ngừa loãng xương, các triệu chứng teo khô ở sinh dục phụ nữ, cải thiện hệ tim mạch, tình trạng xơ vữa động mạch, cải thiện tuần hoàn não, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer...
Hãy cẩn trọng khi dùng liệu pháp hormon thay thế.
Lưu ý những tác dụng phụ của liệu pháp hormon thay thế
Mặc dù việc sử dụng hormon thay thế có những lợi ích nhất định nhưng cũng như một loại thuốc, HRT cũng có những tác dụng phụ khó tránh khỏi.
Tác dụng lên bệnh tim mạch: Việc sử dụng HRT có thể làm tăng nguy cơ tim mạch, tăng đột quỵ và thuyên tắc tĩnh mạch, thiếu máu cơ tim... Đặc biệt, tuổi càng cao sử dụng HRT nguy cơ bệnh tim mạch càng tăng. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng HRT sớm làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, đau tim và suy tim, tuy nhiên không khuyến cáo dùng HRT để ngăn ngừa bệnh tim.
Ung thư vú: Nghiên cứu cho thấy tăng tỷ lệ ung thư vú ở nhiều trường hợp khi sử dụng HRT kết hợp sau 3-5 năm, sử dụng HRT tuổi càng lớn càng tăng nguy cơ ung thư vú.
Các tác dụng phụ khác: Ngoài ra, còn có các tác dụng phụ như: Chảy máu (có kinh nguyệt hàng tháng, nếu dùng HRT kết hợp), đốm nâu da, căng ngực. Các tác dụng phụ ít gặp hơn: Giữ nước, tăng cân, buồn nôn, nôn, nhức đầu (bao gồm cả chứng đau nửa đầu), da đổi màu (cả đốm nâu và đen), kích ứng miếng dán estrogen
Tuyệt đối, không dùng liệu pháp HRT trong những trường hợp sau: Tiền sử hoặc đang bị thuyên tắc tĩnh mạch, cục máu đông tái phát hoặc hoạt động; tiền sử hoặc đang bị thuyên tắc động mạch; bệnh lý tiểu cầu đã được biết; tiền sử hoặc đang điều trị ung thư vú; tiền sử hoặc đang bị tai biến mạch máu não; bệnh lý gan cấp hay mạn tính; chảy máu âm đạo không chẩn đoán; quá nhạy cảm với một trong các thành phần của thuốc.
Sử dụng sao cho an toàn?
Chỉ sử dụng HRT cho phụ nữ có triệu chứng suy giảm estrogen nếu không có chống chỉ định. Không tự ý sử dụng liệu pháp hormon mà chưa có sự góp ý từ bác sĩ chuyên môn.
Nếu phải dùng liệu pháp HRT thì dùng loại kết hợp cả 2 hormon là estrogen và progesterone, không dùng liệu pháp chỉ có mỗi estrogen, như vậy sẽ giúp giữ cho cơ thể ở trạng thái cân bằng và ổn định. Sự phát triển và thoái triển niêm mạc tử cung diễn ra hài hòa nhịp nhàng, sinh lý thuận theo tự nhiên, phòng ngừa được những tác hại khi chỉ dùng mỗi hormon estrogen... Phụ nữ có tiền sử gia đình bệnh lý về vú hay bản thân đang bị bất kỳ bệnh lý nào liên quan đến tuyến vú thì cân nhắc giữa lợi và hại trước khi sử dụng HRT.
Để hạn chế tác hại, tốt nhất chỉ dùng liệu pháp HRT trong thời gian ít nhất cần thiết và với liều tối thiểu hiệu quả (bằng cách thường xuyên đánh giá cân nhắc giữa lợi và hại). Ngưng ngay liệu pháp khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu hoặc kết quả khám tổng quát theo dõi có bất thường (cần tham vấn với bác sĩ).
Khám kiểm tra tổng quát trước khi sử dụng liệu pháp thay thế hormon. Trong khi đang sử dụng HRT, khám sức khỏe tổng quát mỗi 6-12 tháng 1 lần, đặc biệt khám ngay khi có bất kỳ khó chịu nào.
Với những khó chịu như teo, khô âm đạo, đau khi quan hệ... tốt nhất là dùng hormon tại chỗ, sẽ hạn chế được những tác hại toàn thân khác.
Khi muốn ngưng không dùng liệu pháp hormon nữa thì nên giảm liều dần từ từ, tập cho cơ thể quen dần, thích nghi dần, tránh ngưng hormon đột ngột, cơ thể dễ bị mất thăng bằng...