Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học biết chính xác quá trình phát bệnh tiểu đường týp 2, mở ra các phương pháp điều trị cá nhân mới giúp ngăn chặn bệnh khởi phát.
Nghiên cứu mới này có thể giúp các bác sĩ tìm ra nguy cơ mắc bệnh của bệnh nhân và phương pháp điều trị giúp bệnh thuyên giảm.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra một số gen có liên quan đến chứng béo phì, nhưng những phát hiện mới cho thấy có một số biến thể di truyền giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu được công bố tại hội nghị Tiểu đường thường niên ở Anh.
Nghiên cứu sẽ cho thấy mối liên quan giữa các gen với bệnh tiểu đường và chất béo trong cơ thể. Chúng ta có thể biết được nguy cơ mắc bệnh ở người có chất béo dưới da, chất béo quanh bụng hoặc chất béo nội tạng.
Tiến sĩ Hanieh Yaghootkar cho biết: “Chúng ta đều biết rằng bệnh tiểu đường týp 2 là vấn đề sức khỏe lớn đối với thế giới bởi vì tỷ lệ người béo phì đang tăng cao”.
“Béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tiểu đường týp 2. Có những người béo phì hoặc thừa cân nhưng không mắc bệnh tiểu đường. Trong khi, một số người gầy hoặc có cân nặng khỏe mạnh lại mắc bệnh”.
“Hiểu được cơ chế phát bệnh có nghĩa chúng ta sẽ không phải dựa vào các chỉ số khối cơ thể để ưu tiên cho những bệnh nhân cần giảm cân”.
“Ngoài ra chúng ta cũng có hướng đi mới giúp thay đổi khả năng di truyền bệnh".
Tiến sĩ Emily Burns, người đứng đầu cơ quan truyền thông tại Diabetes UK, cho biết: “Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến bệnh tiểu đường týp 2, nhưng có rất nhiều người thừa cân hoặc béo phì không mắc bệnh này. Nghiên cứu giúp ta tìm ra nguyên nhân ở mức độ di truyền".
“Chúng tôi hy vọng gen di truyền sẽ mở ra những phương pháp tiềm năng giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường týp 2 trong tương lai. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh của bản thân bằng cách ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên".
Các nghiên cứu được tiến hành tại Exeter, London, Dundee và các trung tâm khác nhau trên khắp châu Âu, đã thực hiện trên 451.000 tình nguyện viên để tìm các biến thể gen có liên quan đến lượng chất béo trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã hợp tác với các nhà khoa học tại Đại học Tubingen, Đức, Đại học Leiden ở Hà Lan và Đại học Goethe, Frankfurt, Đức.
Bệnh tiểu đường týp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không hoạt động bình thường. Ước tính có 4,6 triệu người ở Anh mắc bệnh tiểu đường - 90% mắc bệnh tiểu đường týp 2.
Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường týp 2, cách duy nhất giúp bệnh thuyên giảm là thay đổi lối sống.