Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel đã được áp dụng tại Việt Nam

03-10-2018 14:36 |
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đang ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch- có chung cơ sở khoa học với phát minh vừa được trao giải Nobel Y học 2018 để chống lại bệnh ung thư nhưng với một hướng tiếp cận khác.

Liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân điều trị ung thư của Việt Nam như thế nào?

Giải thưởng Nobel Y sinh học năm 2018 đã được trao cho công trình nghiên cứu sử dụng liệu miễn dịch chống một số bệnh ung thư. Tác giả của công trình này là GS Mỹ James P Allison (người phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản -  GS Tasuku Honjo (người phát hiện ra PD1). Cả 2 yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư.

Kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 đã chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Các thuốc trên có vai trò hoạt hoá và kéo dài tuổi thọ của các tế bào miễn dịch đặc hiệu để các tế bào này có thể tấn công các tế bào ung thư.

Theo GS. TS. Tạ Thành Văn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội học trò của GS. Tasuku Honjo: Ung thư là vấn đề nan giải, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư từ phẫu thuật đến xạ trị, hoá chất, điều trị đích. Khoảng10 năm trở lại dây là có thêm liệu pháp miễn dịch vớinguyên lý là tăng cường sức đề kháng của hệ thống miễn dịch của cơ thể mìnhvới các tác nhân nội sinh và ngoại sinh.

GS.TS Tạ Thành Văn (áo vest đen) chụp ảnh cùng thầy của mình-  GS. Tasuku Honjo

Ở1 người bình thường, trong 1 ngày có vài ngàn tế bào bất thường – tế bào tiền ung thư được tạo ra, khi cơ thể khoẻ hệ thống miễn dịch nhận diện được các tế bào này, cô lập  tiêu diệt chúng. Nhưng khi cơ thể có sức đề kháng kém thì tế bào bất thường không bị tiêu diệt hết sẽ khu trú ở cơ quan nào đó để phát triển thành khối u ung thư.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với sự chuyển giao của chuyên gia Nhật Bản.

Bản chất của liệu pháp này là tăng cường miễn dịch cơ thể. Hiện các nhà khoa học của Trường ĐH Y Hà Nội đã và đang làm theo hướng của công trình đạt giải Nobel, nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác. Đó là tách tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi của bệnh nhân (với số lượng tế bào khoảng vài triệu), sau đó tăng sinh và biệt hoá để được vài tỷ và truyền lại cho bệnh nhân.

“Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư) tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư”- GS.TS Tạ Thành Văn cho biết.

Theo đó, mỗi liệu trình này được thực hiện 6 lần truyền trong 3 tháng, mỗi lần truyền cách nhau 2 tuần.

Ứng dụng ở nhiều hình thái ung thư

Hiện đề tài khoa học này đã được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2017 và đang thử nghiệm lâm sàng, bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.

Theo đánh giá của GS. Tạ Thành Văn, sau hơn hai năm triển khai tại Trường ĐH Y Hà Nội,  liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã được áp dụng cho bệnh nhân ở các hình thái ung thư: thận, phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao.

Thậm chí một số bệnh nhân đang ở giữa ranh giới mong manh giữa sự sống- cái chết cũng đã được cải thiện chất lượng sống lên nhiều lần và chưa ghi nhận phản ứng phụ.

“Chúng tôi hiện đang tiếp tục có các đánh giá về hiệu quả lâu dài của liệu pháp này, nhưng với kết quả ghi nhận được trong thời gian qua là khả quan”- GS Văn cho biết.

Cũng theo GS Văn, ước tính của các nhà khoa học tại phòng nghiên cứu của Nhật cho thấy áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư thì triệu chứng lâm sàng cải thiện chiếm khoảng 60%, chất lượng sống thay đổi rõ. Có khoảng 3% bệnh nhân ung thư giai đoạn 3b và 4, thậm chí khối di căn đã không phát triển. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Trường ĐH Y Hà Nội hướng đến mục tiêu làm sao để nhiều người bệnh ung thư được cải thiện triệu chứng lâm sàng và nâng cao chất lượng sống.

Được biết, chi phí trung bình của liệu pháp điều trị ung thư này tại Trường ĐH Y Hà Nội thấp hơn ở nước ngoài nhiều do nhóm nghiên cứu lhiện đã làm chủ được hoàn toàn quy trình công nghệ.

GS.TS Tạ Thành Văn cũng cho biết thêm, hiện nay tại phòng nghiên cứu của Trường ĐH Y Hà Nội chỉ thực hiện được 6-8 bệnh nhân cho một liệu trình. Do đó đang có hàng trăm bệnh nhân chờ đợi để được thực hiện. Tuy nhiên trung bình mỗi liệu trình điều trị của một bệnh nhân kéo dài 3 tháng và ưu tiên các bệnh nhân ở giai đoạn 3b, giai đoạn 4 nên các nhà khoa học của Trường ĐH Y đành “bất lực” để bệnh nhân chờ vì điều kiện hiện chưa thể mở rộng thêm quy mô...

Việc ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư của các nhà khoa học Trường ĐH Y Hà Nội bước đầu mang lại hiệu quả cải thiện chất lượng sống rõ rệt cho nhiều người bệnh

“Tôi đã từng làm việc ở phòng nghiên cứu của GS Tasuku Honjo nhiều ngày không thấy mặt trời”

Trò chuyện với chúng tôi, nhà khoa học- GS.TS Tạ Thành Văn kể rằng, anh biết đến GS Tasuku Honjo khi anh còn đang làm thực tập sinh sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ thông qua hàng loạt các bài báo khoa học trên các tạp chí nổi tiếng nhất của thế giới về những vấn đề nóng của khoa họccủa giáo sư Honjo. TS Tạ Thành Văn ngày đó đã liên hệ để được làm nghiên cứu tại phòng nghiên cứu của GS Tasuku Honjo ở Khoa Y – Trường ĐH Y khoa Kyoto và đã được GS Honjo chấp nhận sau khi trao đổi và phỏng vấn.

Được GS Tasuku Honjo nhận, kể từ tháng 4/2001 cho đến gần 3 năm sau kết thúc quá trình nghiên cứu, TS. Tạ Thành Văn ngày đó đã phải “miệt mài làm việc ở phòng nghiên cứu của GS. Tasuku Honjo có ngày không thấy mặt trời từ sáng đến đêm khuya và đã phải vượt qua chính mình với nỗi nhớ nhà, với những đêm lẻ loi, cô độc bước đi một mình trên dòng suối nhỏ ở cố đô Kyoto" nhằm học hỏi giáo sư và các thầy tại phòng nghiên cứu để có thể hoàn thành được nghiên cứu của mình. bởi sức ép chạy đua từ các nhà khoa học khác ở ngay trong phòng thí nghiệm của mình cũng như nhà khoa học khác của nhiều phòng nghiên cứu trên thế giới, người có thể cạnh tranh đi trước mình bất cứ lúc nào...

Chia sẻ với chúng tôi về những thành công bước đầu trong ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân để chữa bệnh ung thư cho các bệnh nhân, GS.TS Tạ Thành Văn- người đã “mang” liệu pháp này từ GS. Tasuku Honjo về Việt Nam để cùng với các cộng sự Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện chỉ khiêm tốn nói rằng, anh và các cộng sự còn phải cố gắng và nỗ lực nhiều để làm sao xứng danh là học trò của người thầy đã đạt giải Nobel về Y học.

Và, nhà khoa học Tạ Thành Văn cũng mong muốn được thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào với sự đầu tư bài bản về nhân lực và tài chính của Nhà nước để những thành tựu khoa học mới nhất được đến với những bệnh nhân Việt Nam...


Thái Bình
Ý kiến của bạn