Liệu pháp chăm sóc da bằng vật liệu thiên nhiên

20-10-2019 10:21 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Theo ThS.BS. Trần Thị Thúy Phượng, Bộ môn Da liễu (ĐH Y Dược TP.HCM), phương pháp dùng những vật liệu thiên nhiên trong chăm sóc da và tóc từ lâu đã được ưa chuộng bởi nhiều phụ nữ Việt Nam nói riêng hay phụ nữ Á Đông nói chung.

Qua nhiều thời kỳ, các phương pháp chăm sóc da ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều phương pháp hiện đại, nhưng vẫn không thể phủ nhận vai trò của thảo dược và các vật liệu chăm sóc da khác từ thiên nhiên trong các quy trình chăm sóc da hiện nay.

Từ thực vật “tự nhiên”

Trong tủ lạnh của phần lớn phụ nữ Việt Nam đều có vài quả dưa leo hay cà chua. Trưa đi nắng về, cắt vài lát dưa leo hay cà chua đắp lên mặt, mát rượi làn da. Tối trước khi đi ngủ, các chị còn thoa một ít trà xanh lên mặt dưỡng ẩm trắng da, hay thỉnh thoảng tẩy tế bào chết bằng mật ong kết hợp với đường trắng, sữa chua hay muối biển…

Ngày càng nhiều người quan tâm và ưa chuộng phương pháp này vì tính “tự nhiên” của chúng.Vậy giá trị của các phương pháp này như thế nào? Liệu rằng các phương pháp được cho là “tự nhiên” này có thực sự hiệu quả và an toàn, hay chỉ là cách chăm sóc da theo kinh nghiệm?

BS. Thúy Phượng nhận định, các sản phẩm từ thực vật được dùng khá nhiều trong các phương pháp này như nha đam, cà chua, dưa leo, trà xanh… Trong đó, nha đam đã được nghiên cứu có khả năng làm lành vết thương cũng như làm dịu các vết bỏng thông qua cơ chế kháng viêm và giảm đau.

Liệu pháp chăm  sóc da bằng vật liệu  thiên nhiên

“Trong khi đó, cà chua chứa nhiều lycopene làm chậm quá trình phá hủy collagen, giảm sự thô ráp của làn da. Dưa leo gồm nước, hạt, quả, lá có thể sử dụng với mục đích chống lão hóa, chống oxy hóa và chống nhăn. Trà xanh có nhiều polyphenol có khả năng làm sáng da, chống lão hóa, và ngăn ngừa ung thư.Nghệ cũng được dùng từ lâu chủ yếu để thoa tại chỗ trong điều trị mụn, tăng sắc tố sau mụn, vết thương”, BS.Thúy Phượng nói.

Các chuyên gia da liễu phân tích thêm, hiện nay, nghệ đã được chứng minh có chứa nhiều curcumin, có hoạt tính kháng viêm, kháng khuẩn, hữu ích trong các bệnh lý da mụn, viêm da cơ địa.Trong khi đó tinh dầu cam, chanh, bưởi có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, hữu ích khi sử dụng trong các bệnh lý về da đầu, tóc.

Mặt nạ từ cám gạo, mật ong

Bên cạnh các sản phẩm từ thực vật, các vật liệu khác như sữa chua, cám gạo, mật ong, đất sét… cũng được ưa dùng. Mặt nạ sữa chua giúp tăng cường độ ẩm, duy trì độ đàn hồi của da, thành phần lợi khuẩn trong sữa chua cũng đóng vai trò trong cải thiện các bệnh lý viêm da cơ địa, mụn trứng cá… Tương tự, mặt nạ cám gạo chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp trẻ hóa da.

“Đất sét cũng là một vật liệu được nhắc đến từ lâu trong chăm sóc sắc đẹp và ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt trong các chế phẩm mặt nạ do đặc tính se da và dưỡng ẩm đã được chứng minh”, ThS.BS. Thúy Phượng chia sẻ thêm.

GS.TS.BS. Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, khẳng định cuộc sống con người dài hay ngắn, thọ hay không thọ nhiều khi phụ thuộc vào các yếu tố ngoài chính bản thân mình, nhưng nâng cao chất lượng cuộc sống, làm đẹp hàng ngày phần lớn do chính ý thức của mỗi người. Hiện nay, ở Việt Nam, nhu cầu làm đẹp ngày càng phát triển, không chỉ ở các đô thị thành phố lớn mà còn lan đến nông thôn, đồng bằng, miền núi.

“Ngày xưa chúng ta từng dùng mật ong để trị vết thương hay mát xa hoặc châm cứu hay giác hơi. Hiện nay, chúng ta có thể sử dụng mật ong trong các bài thuốc dùng để tắm Đông y, ứng dụng trong các viện y học cổ truyền”, GS.Trần Hậu Khang thông tin.

Là hỗn hợp của các carbonhydrate, axit amin, các khoáng chất và các vitamin, mật ong được sử dụng rộng rãi trong thẩm mỹ da bằng nhiều cách như dùng để dưỡng ẩm da và tóc, làm lành thương tổn mụn, vết thương… Hiện nay, mật ong cũng được dùng nhiều trong các chế phẩm như sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, dầu xả tóc, vì các đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm và kháng virus cũng như có khả năng giữ ẩm, làm mềm, điều hòa độ pH của da.

Bên cạnh đó, ngoài các vật liệu quen thuộc được sử dụng trong chăm sóc da ở Á Đông, khá nhiều các chiết xuất từ thực vật được sử dụng từ lâu từ các nước phương Tây và đến nay, các chất này cũng được chứng minh có hiệu quả từ góc độ khoa học, như chiết xuất từ hoa anh đào, cây dương xỉ, táo, nho, lúa mạch, dầu oliu…

Dựa trên các bằng chứng về tính hiệu quả của một số vật liệu từ thiên nhiên, ngày nay các chiết xuất này đã được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm dược mỹ phẩm tuy nhiên, vẫn cần tuân theo các chuẩn mực nhất định.

-BV Da liễu TP.HCM đã tổ chức, hội nghị khoa học Da liễu miền Nam năm 2019 với chủ đề “Kết nối chuyên ngành da liễu truyền thống và hiện đại” vào ngày 29/9/2019 tại TP.HCM. Khoảng 900 đại biểu trong và ngoài nước tham gia hội nghị và chia sẻ nhiều báo cáo mang tính thực tiễn cao như: hội chứng tóc bạc sớm, điều trị nám má, móng chọc thịt; u máu - bước tiến từ cổ đại đến hiện đại; những biểu hiện không thường gặp của bệnh phong; liệu pháp miễn dịch tại chỗ cho mụn cóc khó trị; định hướng quản lý toàn diện bệnh vảy nến trong tương lai; xử lý tai biến xuất huyết dưới da sau các xâm lấn thẩm mỹ da bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL…
-Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP.HCM, đây là hội nghị định kỳ hàng năm, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những ứng dụng mới nhất trong ngành da liễu. Chủ đề của hội nghị năm nay không chỉ đề cập những vấn đề cơ bản, mang tính kinh điển mà còn vận dụng những tiến bộ mang tính hiện đại, mang tính xu hướng trong ngành da liễu. Điều quan trọng là kết nối giữa những đối tượng bệnh nhân và các phương pháp điều trị mang tính kinh điển với cách nhìn bệnh nhân và những phác đồ theo xu hướng hiện nay.
-Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh, hội nghị giúp cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên khoa, đào tạo y khoa liên tục giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường thế mạnh của chuyên ngành da liễu trong sự phát triển của ngành y tế TP.HCM giai đoạn mới (2020 - 2025); vừa kéo dài tuổi thọ vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài sự trẻ hóa, làm chậm quá trình lão hóa da.
PHƯƠNG KHÁNH


HƯƠNG CÁT
Ý kiến của bạn