Liệu pháp cấy ghép mỡ được đưa vào sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ với những hấp dẫn người sử dụng dịch vụ như giá cả khá rẻ, tác dụng trông thấy và ít gây đau đớn. Nhưng bên cạnh đó, các bác sĩ cảnh báo, liệu pháp này không thể mang ra dùng bừa bãi vì nó gây ra rất nhiều phản ứng phụ.
Quy trình 2 trong 1 với chỉ phí rẻ và kết quả như ý…
Bà Rosetta Citton (59 tuổi), một nhà thiết kế đồ trang sức, hàng ngày đeo chiếc nhẫn kim cương để khách hàng của bà chiêm ngưỡng. Mỗi lần nhìn xuống chiếc nhẫn kim cương sáng lấp lánh trên bàn tay của mình, bà Rosetta lại cảm thấy vô cùng thất vọng và suy sụp bởi sự tương phản lộ rõ giữa viên kim cương lấp lánh với đôi bàn tay gân guốc của mình. Rosetta đã chọn phương pháp bơm vào bàn tay loại mỡ được lấy ra từ phần đùi của chính mình, từ đó làm căng và săn chắc da tay.
Bà cho biết, cách đó 4 năm, bà đã tiêm chất làm căng da vào mặt để có làn da căng mọng hơn tại một bệnh viện tư ở Harley Street. Lần này, bà quay trở lại với mong muốn thực hiện theo cách này với bàn tay của mình bằng liệu pháp cấy ghép mỡ.
Trong những năm qua, Hiệp hội Các nhà phẫu thuật thẩm mỹ Anh quốc báo cáo rằng, lượng người sử dụng liệu pháp này đã tăng lên 15%. Quy trình 2 trong 1 này bao gồm việc loại bỏ 20ml đến 200ml lượng mỡ dư thừa chủ yếu ở phần đùi hoặc bụng. Sau đó, lượng mỡ này được tiêm vào nơi cần được chỉnh sửa, chẳng hạn như ngực, mông, vùng mắt hoặc tay. Việc điều trị chỉ cần gây tê cục bộ và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. Trong khi một lượng mỡ nhất định vừa tiêm vào được cơ thể tái hấp thu, đa phần nó sẽ ở lại đúng vị trí, sau đó sẽ lão hóa dần và tiêu đi một cách tự nhiên theo các tế bào khác trong cơ thể. Chỉ với 1 mũi tiêm xuyên qua da nên vết sẹo sẽ được giảm thiểu đến mức nhỏ nhất.
Nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong năm 2013, có gần 90% các ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Anh được tiến hành trên phụ nữ. Thoạt nhìn thì phương pháp này có vẻ là một phép màu có tác dụng 2 trong 1 trong việc chống lão hóa da ở phụ nữ lớn tuổi, nhưng thực ra các bác sĩ có những mối quan ngại khá lớn.
TS. Philippe Hamida-Pisal, một chuyên gia về da liễu có trụ sở London cho biết, có rất nhiều e ngại về việc bơm chất béo vào bàn tay: “Có quá nhiều nhược điểm, quá nhiều nguy cơ bầm tím, nhiễm trùng và để lại sẹo vì bàn tay là một bộ phận mỏng và nhạy cảm”. Còn có một mối lo ngại khác, nếu chất béo được tiêm một cách không chuẩn xác, bao gồm cả sự phân bố không đều, không cân đối và sự tái hấp thu của chất béo vào cơ thể (xảy ra khi bác sĩ phẫu thuật tiêm chất béo quá xa so với một nguồn cung cấp máu dồi dào cần thiết để lượng chất béo ấy có thể tồn tại). Sưng tấy có thể xảy ra và kéo dài hàng tuần liền.
Một hội thảo y khoa cho rằng việc bơm mỡ vào ngực có liên quan đến bệnh ung thư vú. Mặc dù chưa có chứng cứ xác thực, tuy nhiên, chất béo được tiêm vào có thể bắt chước (mimic) giống với các tế bào ung thư. Cần có một bác sĩ chụp Xquang đầy kinh nghiệm để phát hiện ra sự khác biệt này.
Bác sĩ phẫu thuật Bryan Mayou, người sáng lập của Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ Cadogan Cosmetics còn chỉ ra một hệ lụy khác, đó là sự di chuyển chất béo sẽ tạo ra một vật cản, từ đó có thể gây ra tắc mạch. Đây là lỗi mắc phải khi tiêm chất béo vào tĩnh mạch. Máu và chất béo di chuyển đi vào não, động mạch và dẫn đến đột quỵ. Mặc dù xác suất xảy ra việc này không lớn nhưng nó có thể xảy ra ngay cả với một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm.
Bất chấp những nhận xét khá tốt về liệu pháp này từ phía người sử dụng, giới chuyên khoa vẫn muốn nhấn mạnh rằng, kỹ thuật này gây nguy hiểm và không cần thiết với tất cả mọi người. Không thể phủ nhận, nó là một liệu pháp phẫu thuật thẩm mỹ phát triển nhanh nhất. Nhưng đây không phải là phương pháp có thể dùng bừa bãi.
(Theo Dailymail)
Hoàng Hà