Với sự tiến bộ của y học hiện đại, có rất nhiều cách để hạn chế tác hại của virut đối với sức khỏe. Liệu pháp ánh sáng mà các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu được đánh giá là một trong những phương pháp loại trừ virut gây bệnh hiệu quả giúp mở ra hướng ứng dụng mới trong tương lai.
Trong khi đó, có rất nhiều loại virut và chủng khuẩn gây bệnh nguy hiểm phải dùng đến cách điều trị bằng kháng sinh hay vaccin để phòng ngừa. Tuy nhiên, ngày nay, sự biến đổi của virut, vi khuẩn đang dẫn tới tình trạng kháng thuốc và vaccin ngày càng cao. Đứng trước nguy cơ đe doạ sức khoẻ con người, các nhà khoa học tại nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu về nhiều cách diệt khuẩn khác nhau trước khi thử nghiệm bằng liệu pháp ánh sáng.
Trong tương lai, ánh sáng lazer sẽ được sử dụng trong tiêu diệt virut gây bệnh và không gây ra tổn thương cho các tế bào trong cơ thể. |
Liệu pháp tia tử ngoại
Phần lớn các virut gây bệnh nguy hiểm có thể bị tiêu diệt khi sử dụng tia lazer, song nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho hay: không phải mọi loại virut đều có cấu tạo giống nhau. Do đó, việc sử dụng loại ánh sáng này đối với một số virut có thể mang lại hiệu quả tiêu diệt, song nếu sử dụng với các loại virut khác có thể không mang lại tác dụng.
Trong quá trình nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp mới tiêu diệt virut gây bệnh, các nhà khoa học Mỹ đã từng thành công trong thử nghiệm với liệu pháp chiếu sáng bằng tia tử ngoại UV. Hiện phương pháp diệt khuẩn bằng tia cực tím đang được ứng dụng tại một số quốc gia trên thế giới.
Loại ánh sáng này mặc dù có thể gây cháy nắng và làm gia tăng nguy cơ ung thư da ở người, song lại có thể diệt virut hiệu quả. Cũng giống như khi chiếu ánh sáng lazer, khi chiếu tia cực tím vào một số loại virut, lớp vỏ ngoài của chúng bị phá vỡ khiến cho virut rơi vào trạng thái mất phản ứng và không thể tiếp tục tấn công các tế bào trong cơ thể con người.
Thành tựu này hiện đang được ứng dụng trong các hệ thống lọc khí, khử mùi và hệ thống lọc nước bằng tia tử ngoại nhằm ngăn chặn mầm bệnh trong không khí và trong nguồn nước. Ngoài ra, còn được ứng dụng trong các hệ thống diệt khuẩn trong thực phẩm với tác dụng diệt khuẩn E.coli hiệu quả mà vẫn đảm bảo được chất lượng và hương vị của thực phẩm.
Việc ứng dụng tia tử ngoại trong diệt virut và khuẩn gây bệnh trong y học cũng đang được triển khai tại các quốc gia phát triển, tuy nhiên, theo đánh giá của giới khoa học, do đặc tính của tia UV có sức huỷ diệt kém hơn so với tia lazer nên có thể dễ khiến virut bị đột biến và cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.
Liệu pháp diệt virut bằng tia lazer
Các nhà khoa học tại viện nghiên cứu Trường đại học bang Arizona, Mỹ cùng các đồng nghiệp của mình tại Trường đại học John Hopkins mới đây vừa công bố nghiên cứu của mình về việc sử dụng ánh sáng trong tiêu diệt virut, vi khuẩn gây bệnh. Theo đó, loại ánh sáng từng được xem là phát hiện quan trọng của khoa học - ánh sáng lazer - không chỉ có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, quân sự… mà còn có thể được dùng để diệt khuẩn và diệt virut hiệu quả.
Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Kong Thon Tsen - Trường đại học Arizona đã thành công với việc tiêu diệt virut gây bệnh bằng một tia lazer tím. Với thời lượng chiếu tia lazer cực nhanh trong vòng 100 femto giây (1 femto giây bằng 1 phần triệu của một phần tỉ giây), ánh sáng lazer có thể tác động đáng kể làm phá hủy lớp vỏ bọc bên ngoài của virut. Điều này rất quan trọng cho việc tiêu diệt hoàn toàn virut gây bệnh bởi khi đó virut sẽ trở nên vô hại trong khi các tế bào trong cơ thể vẫn được bảo vệ an toàn.
Các nhà khoa học hi vọng, sau khi kết thúc các thử nghiệm, thành tựu này có thể ứng dụng trong điều trị một loạt các bệnh nguy hiểm liên quan đến virut, trong đó phải kể tới căn bệnh HIV/AIDS do virut HIV gây ra và bệnh viêm gan. Bằng cách quét tia lazer làm sạch virut và các mầm bệnh khác trong máu, các nhà khoa học có thể loại bỏ hoàn toàn virut gây bệnh trong cơ thể bệnh nhân một cách nhanh chóng. Ngoài ra, có thể dễ dàng kết hợp liệu pháp lazer với các phương pháp điều trị hiện hành khác. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị lấy một phần máu ra khỏi cơ thể để làm sạch bằng lazer, sau đó truyền trở lại cơ thể người bệnh giống như quá trình lọc máu nhân tạo.
Minh Ngọc (Theo Science)