Liệu có xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ-EU?

18-04-2019 09:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu được kích hoạt trở lại vào ngày 17/4 khi Liên minh châu Âu công bố bản danh sách dài 11 trang các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 20 tỷ USD sẽ bị đánh thuế để đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU với giá trị lên tới 11 tỷ USD.

Tàn tích quá khứ châm ngòi cho chiến tranh thương mại

Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng dâng cao. Soi vào quá khứ, mâu thuẫn thương mại Mỹ EU bắt nguồn từ cuộc đấu pháp lý tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cách đây 15 năm,  tàn tích của nó lại trở thành “mồi lửa” có thể  thổi bùng lên một cuộc chiến tranh thương mại lớn giữa các nước đồng minh. Đó là vụ kiện giữa hai gã khổng lồ trong ngành hàng không thế giới Airbus và Boeing, Mỹ đã khởi kiện Airbus với cáo buộc EU trợ cấp cho Airbus  và gây phương hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, năm 2004  EU cũng đâm đơn kiện Boeing ra WTO, với cáo buộc đã nhận 19 tỷ USD hỗ trợ từ Chính phủ liên bang.

Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng hiện hữu

Tuy nhiên phán quyết của WTO mới  là căn nguyên khiến căng thẳng thương mại Mỹ EU bước lên một nấc thang mới, WTO tuyên bố các khoản trợ cấp của EU cho Airbus là bất hợp pháp. Vụ kiện kéo dài hàng thập kỷ này vẫn chưa có hồi kết, WTO cho biết sẽ đưa ra phán quyết về những thiệt hại của Mỹ vào giữa năm nay, trong khi  vụ kiện của EU với Boeing tới 2020 mới có phán quyết.

Không đợi đến khi WTO ra phán quyết cuối cùng, Mỹ đã tuyên bố “đến lúc phải hành động” và  đã ban một danh sách dài 7 trang các mặt hàng của EU sẽ bị Mỹ đánh thuế trị giá 11 tỷ USD từ máy bay đến các sản phẩm tiêu dùng như sữa, rượu vang … Đây là khoản tiền mà Mỹ tính toán nước này bị thiệt hại trong vụ EU trợ cấp cho Airbus 15 năm trước.

Không phải chờ đợi lâu, ngày 17/4, EU cũng đã “trả lời” bằng danh sách dài 11 trang hàng hóa từ Mỹ  bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, máy bay, túi xách, máy kéo đến các đồ chơi công nghệ…. giá trị hàng hóa  lên tới 20 tỷ USD. Đi kèm với tuyên bố này, Ủy viên thương mại EU bà Cecilia Malmstrom cũng thẳng thắn cho rằng: “Chúng tôi phải bảo vệ sân chơi bình đẳng cho ngành công nghiệp của mình”.

Trong bối cảnh Quỹ tiền tệ  quốc tế IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới  thì không quốc gia nào muốn nền kinh tế của mình chịu thêm các tổn thương. Mới đây, EU đã  nhất trí khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, đây được coi là bước đi thắng lợi của Tổng thống D. Trump.

Mỹ và EU sẽ dùng chiến lược nào trong cuộc đối đầu thương mại?

Đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ EU

Những đòn “ăn miếng trả miếng” trừng phạt thương mại, áp đặt thuế quan lẫn nhau luôn được các nước áp dụng nhất là trong quan hệ quốc tế. Các nhà phân tích mổ xẻ lý do Mỹ  lấy EU là ”mục tiêu” tiếp sau Trung Quốc. Ngay khi truyền thông đưa tin Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại, Tổng thống Mỹ D.Trump đã hướng sang EU với những tuyên bố rất căng thẳng, xới lại vụ  kiện EU trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus năm xưa.

Đây được coi là kế “rung cây dọa khỉ” của Mỹ, vì với những cường quốc ở châu Á như Trung Quốc hay khối kinh tế hùng mạnh ở châu Âu mà Mỹ còn khiến các nước này  phải ngồi vào bàn đàm phán thương mại thì các quốc gia nhỏ bé ở châu Mỹ như Mexico, Canada và các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản sẽ  không phải là trở ngại gì đối với Mỹ.

Hiện tại, EU chỉ muốn thảo luận về thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nới lỏng đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật,  Mỹ khẳng định rằng, nông nghiệp phải nằm trong chương trình nghị sự - vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Mỹ và EU. Vì sẽ dẫn tới một loạt các vấn đề gây tranh cãi bao gồm lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm của Mỹ có chứa các sinh vật biến đổi gen, gà làm sạch bằng clo và thịt bò được tăng cường hormone…

Nhà kinh tế trưởng của Berenberg, Holger Schmieding cho rằng, nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU ít có khả năng xảy ra như cuộc chiến thương mại Mỹ Trung Quốc bởi EU không phải đối thủ địa chiến lược của Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên sẽ “nảy lửa”.

 


Trần Hải
Ý kiến của bạn