Liệu có thể hoàn tất COC năm 2017?

02-04-2017 15:16 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết cuối tuần trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã soạn thảo xong bản dự thảo đầu tiên

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết cuối tuần trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã soạn thảo xong bản dự thảo đầu tiên về khung pháp lý cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Đây là một tín hiệu tích cực nhằm sớm tháo gỡ những tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, dư luận cũng rất mong những tín hiệu thực chất từ Trung Quốc.

Theo kế hoạch, các quan chức ASEAN và Trung Quốc sẽ đem bản dự thảo COC về nước và sẽ tiếp tục thảo luận về văn bản này tại cuộc họp giới chức cấp cao ở Trung Quốc vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, nội dung của bản dự thảo không được tiết lộ.

Hồi tháng 1, cựu Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay bày tỏ hy vọng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc ở biển Đông tranh chấp sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2017. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã nhiều lần khẳng định ASEAN sẵn sàng đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Trung Quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Trung Quốc đã nhiều lần trì hoãn đàm phán về COC.

ASEAN vẫn luôn quan ngại sâu sắc về những diễn biến đang diễn ra ở biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất và gia tăng các hoạt động trong khu vực làm xói mòn lòng tin giữa các bên. Theo giới phân tích, đó là lý do vì sao ASEAN tiếp tục kiên định và tích cực đối thoại với Trung Quốc. Bất chấp việc các nước thành viên ASEAN vẫn còn những quan điểm khác biệt trong một số vấn đề, bao gồm vấn đề biển Đông, ASEAN sẽ không xa rời nguyên tắc tham vấn và đồng thuận trong cơ chế ra quyết định của hiệp hội.

ASEAN và Trung Quốc kỳ vọng có thể hoàn tất COC trong năm nay.ASEAN và Trung Quốc kỳ vọng có thể hoàn tất COC trong năm nay.

Vì thế, việc ASEAN và Trung Quốc hoàn tất bản dự thảo đầu tiên về khung pháp lý cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) được cho là một tín hiệu tích cực nhằm tháo gỡ những căng thẳng gia tăng trên biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm xây dựng và hoàn tất COC từ năm 2010, đồng thời đặt mục tiêu hoàn tất dự thảo khung của COC vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc khiến dư luận khó hiểu.

Tờ Newsweek ngày 29/3 có bài viết “Tại sao Trung Quốc xây dựng các căn cứ trên đảo nhân tạo và họ đã tiến hành như thế nào?”, nhận định các công trình quân sự và lưỡng dụng mà Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trái phép trên 3 đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam sắp hoàn tất. Newsweek viết: “Bạn có muốn sở hữu một hòn đảo riêng? Không biết bạn có muốn điều đó hay không nhưng Trung Quốc thì có và họ đã làm rồi”. Tờ Forbes số ra cuối tháng 3 cho rằng: Trung Quốc đã triển khai chiến lược “Vừa lấy nhưng vừa nói” (Take and Talk) ở biển Đông. Theo đó, một mặt vẫn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với các nước ASEAN, nhưng mặt khác Trung Quốc vẫn lẳng lặng xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo họ đã chiếm.

Trang mạng Today (Singapore) hôm 31/3 dẫn phân tích của tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á), Singapore nêu băn khoăn Trung Quốc liệu có thực tâm khi đột nhiên “nhiệt tình” đẩy nhanh việc đàm phán COC. Tiến sĩ Termsak cũng đã đặt ra 5 câu hỏi: COC sẽ được áp dụng cho những khu vực nào? Quy chế của COC sẽ như thế nào? COC có các điều khoản dành cho các nước khác? COC sẽ có những nội dung nào? Và làm thế nào để buộc các bên thi hành COC? Theo trang mạng Today, rất có thể là mọi quyết định trong khuôn khổ Bộ Quy tắc COC sẽ được đưa ra dựa trên đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phía Trung Quốc phải hợp tác để bảo đảm cho COC phải được tuân thủ. Nhưng nếu Trung Quốc vi phạm COC thì tình huống sẽ ra sao?

Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục triển khai xây dựng các cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo do nước này chiếm đóng trái phép. Giáo sư Renato Cruz de Castro, giảng dạy môn Quan hệ quốc tế, Đại học De La Salle, Philippines cho rằng, việc Trung Quốc mới đây triển khai tên lửa ra các đảo tranh chấp tại biển Đông giúp cải thiện khả năng đối phó với hải quân Mỹ, nhưng nó cũng đặt ra những đe dọa đối với các nước đòi chủ quyền trong khu vực. Theo giáo sư Renato Cruz de Castro, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng hứa với cựu Tổng thống Mỹ Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông, nhưng rốt cuộc Trung Quốc vẫn ráo riết tiến hành các động thái trên. Đây là một ví dụ cho thấy đừng quá nên tin vào Trung Quốc.

Xét về nhiều góc độ, việc đạt được COC sẽ mang lại lợi ích phù hợp cho tất cả các bên khi quan hệ kinh tế - thương mại và du lịch giữa ASEAN - Trung Quốc ngày càng phát triển. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, để COC hoàn tất trong năm nay thì các bên, đặc biệt là Trung Quốc phải thực tâm cùng ASEAN đàm phán.


N.Quang
Ý kiến của bạn