Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ ra đời một loại vũ khí sinh học mới, bom bẩn Ebola của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm chống lại phương Tây, nhưng thực tế việc sản xuất loại bom này không hề đơn giản, muốn có là được, thậm chí còn gây nguy hiểm cho chính những kẻ “ngậm máu phun người”.
Nguy cơ Ebola có thể trở thành vũ khí sinh học
Theo tờ CBS Atlanta của Mỹ, TS. Peter Walsh, nhà nhân chủng học ở Đại học Cambridge cho biết, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đang manh nha lợi dụng cuộc khủng hoảng về Ebola để cho ra đời công cụ mới nhắm vào thế giới phương Tây, hay còn gọi là vũ khí tự sát Ebola. Loại bom này có chứa bột virut Ebola, có khả năng tạo ra những thảm họa kinh hoàng, nhất là khi nó được sử dụng ở những đô thị đông dân.
Bom Ebola sẽ trở thành vũ khí kinh hoàng nếu bị lợi dụng cho mục đích khủng bố.
Phát biểu với tờ The Sun, Peter Walsh cho biết: “Nguy cơ rất lớn nếu khủng bố khai thác virut dưới dạng bột, sau đó chế thành bom và đưa vào sử dụng tại các thành phố đông dân. Nguồn virut này được lấy từ các ổ dịch Tây Phi, sau đó chiết xuất, nhân giống và điều chế thành bom bẩn”. “Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có rất ít các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới có virut Ebola, nó đang được bảo vệ rất cẩn thận, song một khi lọt vào tay bọn khủng bố thì không biết mối nguy hiểm sẽ đi đến đâu”, Peter Walsh cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm trên, giáo sư về các vấn đề an ninh Al Shimkus, hiện đang công tác tại Trung tâm đào tạo Hải quân Mỹ, cho rằng, việc ra đời bom Ebola là hoàn toàn có thể, bởi IS là một nhóm khủng bố rất tàn bạo, không khác gì chế độ diệt chủng Pôn Pốt xưa ở Campuchia, vả lại công cụ Ebola lại đơn giản, dễ phát tán mầm bệnh. Còn theo GS. Anthony Glees, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an ninh và tình báo thuộc Đại học Buckingham, Anh thì “đây là giả thuyết hoàn toàn hợp lý, bởi các tay súng IS sẵn sàng tự sát và dùng chính bản thân để tạo thành vật gieo rắc thảm họa Ebola theo kiểu đánh bom liều chết.
Không phải đến bây giờ mà từ lâu, dư luận đã quan tâm đến vũ khí sinh học. Năm 2004, tại Mỹ, Chính phủ đã cho triển khai dự án mang tên Bioshield (Lá chắn sinh học) với nguồn vốn lên tới 5,6 tỉ USD để tìm ra các giải pháp chống lại vũ khí sinh học, tác nhân hóa học, phóng xạ và hạt nhân, trong đó có cả bom Ebola có nguồn gốc từ lục địa Đen.
Ba tiêu chí ra đời bom bẩn Ebola
Theo các nhà khoa học, giả sử kịch bản xấu nhất xảy ra, virut Ebola được sử dụng làm vũ khí sinh học, thì nó cũng phải mất một thời gian dài, giống như con người tìm kiếm liệu pháp chữa trị như hiện nay, chưa kể hiểm họa cho chính những kẻ “ngậm máu phun người”. Theo các chuyên gia khủng bố sinh học, dù nguy hiểm, Ebola là loại virut không ổn định khi được lấy ra từ vật chủ, có thể là người hoặc động vật, bởi vậy ý tưởng ra đời bom Ebola thiên về khoa học viễn tưởng nhiều hơn là dự án khả thi.
TS.BS. Robert Leggiadro, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và khủng bố sinh học của Mỹ thì CDC (Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ) đã xếp Ebola là một tác nhân khủng bố sinh học tiềm ẩn, rất có thể nó được lợi dụng để sản xuất bom bẩn. Tuy nhiên, về mặt khoa học, Ebola Zaire là chủng virut rất khó nắm bắt, tuy nó đã gây ra dịch nhưng không phải lúc nào cũng xuất hiện, vì vậy muốn sản xuất được loại bom này, cần phải hội tụ đủ ba tiêu chí.
Một, để chế tác thành công bom Ebola sinh học, trước tiên cần phải có vật chủ nhiễm virut trực tiếp, hoặc là người hoặc là động vật. Thực tế, chỉ có một số loài động vật có thể trở thành vật chủ, đó là loài linh trưởng, dơi và linh dương rừng, tất cả những loài này không phải lúc nào cũng có sẵn. Khi vật chủ đã nhiễm bệnh, cần được chuyển đến phòng thí nghiệm được trang bị hợp cách để chiết xuất lấy virut. Các phòng thí nghiệm nói trên được gọi là Phòng Thí nghiệm An toàn cấp 4 hay 4 labs. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FASS), thực tế, trên thế giới mới chỉ có trên 20 phòng thí nghiệm kiểu này. Nếu không thỏa mãn các tiêu chí trên thì virut Ebola sẽ giết chết chính những kẻ trong cuộc. Và một khi thỏa mãn tiêu chí này thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm mới có được trái bom Ebola đích thực. Quá trình trên được chuyên môn gọi là vũ khí hóa tác nhân sinh học, rất phức tạp và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, công đoạn, chưa kể năng lực, kinh nghiệm và mối nguy hiểm khi xử lý sự cố xảy ra.
Hai, việc sản xuất bom Ebola chưa từng diễn ra trong quá khứ, chưa hề có công nghệ, kinh nghiệm và ngay cả những gì thuộc về loại virut này đến nay con người vẫn chưa tường hết. Theo ông de Bretton-Gordon, Giám đốc SecurreBio - Công ty An ninh vũ khí sinh học, phóng xạ và nguyên tử của Mỹ, thì Ebola không giống như các tác nhân gây bệnh khác, nó không phải là mầm bệnh khỏe, tức không đủ để trở thành một loại vũ khí đích thực. Nó không giống bệnh than có thể tồn tại hàng thế kỷ trong lòng đất, chịu đựng mức độ khắc nghiệt của môi trường trước khi tái xuất hiện. Virut Ebola rất nhạy với điều kiện tự nhiên, một khi được lấy từ vật chủ, nó đòi hỏi phải có môi trường đặc biệt để tồn tại, kể cả nhiệt độ lẫn độ ẩm.
Ba, Ebola có tốc độ lan truyền rất chậm. Đến nay có rất nhiều virut và độc tố gây chết người được CDC phân loại, có thể trở thành vũ khí sinh học, lây lan từ người sang người qua không khí, như bệnh than hay bệnh dịch hạch với tốc độ rất nhanh, nhưng Ebola lại không nằm trong danh sách nói trên, không lây lan trong không khí, trừ khi đột biến. Hiện tại mới chỉ truyền qua tiêu thụ thịt ô nhiễm và tiếp xúc trực tiếp với chất tiết dịch của cơ thể người bệnh nên việc dùng Ebola để sản xuất bom là điều khó có thể thực hiện được.
(Theo LS/LV/CBS, 10/2014)
Việt Hà