Liệt ruột: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

10-04-2025 05:15 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Liệt ruột là tình trạng vận động của thành ruột bị ức chế, dẫn đến sự tích tụ của dịch và hơi trong lòng ruột.

Các biện pháp và dùng thuốc khắc phục chứng liệt ruộtCác biện pháp và dùng thuốc khắc phục chứng liệt ruột

SKĐS - Liệt ruột là tình trạng tắc nghẽn chức năng nhu động ruột cấp tính do tê liệt cơ ruột. Đây là phản ứng tạm thời của cơ thể thường gặp sau phẫu thuật hoặc nhiễm trùng...

1. Nguyên nhân gây liệt ruột

Liệt ruột có rất nhiều nguyên nhân gây ra, liệt ruột hậu phẫu là tình trạng phổ biến nhất. Liệt ruột là một biến chứng biết trước của phẫu thuật bụng. Sinh lý ruột giải quyết tình trạng này một cách tự nhiên trong vòng 2 - 3 ngày, sau khi vận động của ruột trở về bình thường.

Tắc ruột kéo dài hơn 3 ngày sau phẫu thuật được gọi là liệt vô động lực. Thông thường liệt ruột xảy ra sau các phẫu thuật trong phúc mạc, nhưng nó cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật sau phúc mạc và ngoài ổ bụng. Thời gian dài nhất của liệt ruột sau mổ được ghi nhận xảy ra sau khi phẫu thuật ruột. Nội soi cắt bỏ đại tràng có thời gian liệt ruột sau mổ ngắn hơn so với phẫu thuật cắt đại tràng mở.

Hầu hết các trường hợp liệt ruột xảy ra sau các thủ thuật/phẫu thuật trong ổ bụng. Bình thường quá trình hoạt động trở lại của ruột sau khi phẫu thuật bụng theo một quá trình có thể dự đoán được: Ruột non thường lấy lại chức năng trong vòng vài giờ, dạ dày trở lại hoạt động trong 1 - 2 ngày và đại tràng trở lại hoạt động trong 3 - 5 ngày.

X quang bụng liên tiếp đã chỉ ra rằng độ phục hồi của liệt ruột sau mổ là từ gần đến xa. Sự hoạt động trở lại của đại tràng phải xảy ra sớm hơn so với đại tràng ngang hoặc đại tràng trái.

Nguyên nhân khác gây liệt ruột như sau:

  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Thuốc (ví dụ opioid, thuốc kháng acid, warfarin, amitriptyline, chlorpromazine).
  • Chuyển hóa (ví dụ, hạ kali, magiê, hoặc natri; thiếu máu; giảm áp lực thẩm thấu).
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Viêm phổi.
  • Chấn thương (ví dụ như bị gãy xương sườn, gãy cột sống).
  • Đau quặn mật và đau quặn thận.
  • Chấn thương đầu và các phẫu thuật thần kinh.
  • Viêm ổ bụng và viêm phúc mạc.
  • Máu tụ sau phúc mạc.
Liệt ruột: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Liệt ruột do rất nhiều nguyên nhân gây ra.

2. Triệu chứng của liệt ruột

Khi bị liệt ruôt thì bệnh nhân thường đau bụng nhẹ, mơ hồ và đầy hơi. Có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Thường không có quặn bụng. Bệnh nhân có thể bí trung tiện và đại tiện hoặc không.

Bụng có thể phình to và căng, tùy thuộc vào mức độ giãn của ruột, hoặc có thể mềm. Một đặc điểm để phân biệt là mất hoặc giảm nhu động ruột, trái ngược với âm sắc cao của tắc nghẽn ruột.

Cần phải để ý đến những biểu hiện của liệt ruột để tránh nó chuyển sang tắc ruột. Việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Đấy là còn chưa nói đến nếu như không kịp thời điều trị sẽ dễ xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm gây nên những tổn hại về sức khỏe. Bất kỳ khi nào khi thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường cần phải đi thăm khám ngay để kịp thời điều trị.

Riêng với bệnh liệt ruột thì những người sau khi phẫu thuật ổ bụng xong đều có nguy cơ mắc phải. Không phân biệt đối tượng nào, kể cả là trẻ nhỏ. Nếu như liệt ruột không kịp thời phát hiện sớm thì sẽ dễ gây nên tắc ruột, có nguy cơ tử vong cao hơn so với người bình thường.

Vì thế nếu như người bệnh xuất hiện những triệu chứng của liệt ruột mà bệnh sau khoảng 2 – 3 ngày không thuyên giảm hay tự hết thì cần phải đi khám bác sĩ để nhận được lời khuyên, điều trị tốt nhất. Tránh tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bạn nên biết sau khi phẫu thuật sẽ có khá nhiều những triệu chứng bệnh khác nhau. Nên cần phải để ý, bởi lúc này cơ thể người bệnh còn rất yếu nên dễ mắc một số bệnh nguy hiểm. Đồng thời sức đề kháng chưa cao nên cũng dễ bị nhiễm trùng. Hãy để ý đến những vấn đề này để đảm bảo người bệnh có sự phục hồi sức khỏe một cách tốt nhất.

3. Liệt ruột có lây không?

Liệt ruột không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng liệt ruột chính là do sau khi phẫu thuật ổ bụng. Lúc này các cơ quan trong ổ bụng chưa được phục hồi hết. Chức năng hoạt động của các bộ phận này chưa được hoàn thiện.

4. Phòng ngừa liệt ruột

Liệt ruột có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Chúng ta có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả bằng cách tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ, nhất là sau khi phẫu thuật ổ bụng. Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật trong ổ bụng thì có thể massage bụng theo chiều từ phải sang trái để kích thích nhu động ruột.

Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ để ngăn ngừa tác dụng phụ gây liệt ruột của thuốc.

Cần vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Không lái xe quá nhanh và đảm bảo an toàn lao động để hạn chế chấn thương cột sống.

Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý đường ruột.

Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả để bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất giúp tránh đầy bụng và cải thiện khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.

Khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, đặc biệt đối với bệnh nhân sau phẫu thuật bụng cần liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra khắc phục sớm.

5. Điều trị liệt ruột

Hậu quả lâm sàng của liệt ruột sau mổ có thể rất lớn. Bệnh nhân bị liệt ruột bị bất động, khó chịu và đau, làm gia tăng nguy cơ có các biến chứng phổi. Liệt ruột cũng làm tăng cường dị hóa do dinh dưỡng kém.

Liệt ruột là một trong những vấn đề tiêu hóa có thể cải thiện sau 2 - 3 ngày mà không cần can thiệp điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, đối với trường hợp liệt ruột liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, do viêm nhiễm đường tiêu hóa, bệnh lý nguy cơ cao cần khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong thời gian bị liệt ruột nhằm ngăn chặn nguy cơ tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn thì người bệnh được yêu cầu tạm ngưng ăn uống bằng đường miệng. Chất dinh dưỡng sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch để cung cấp dưỡng chất cho hoạt động sống của cơ thể người bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định sử dụng thuốc để giảm tình trạng ùn ứ, tăng kích thích nhu động ruột để cải thiện tắc ruột, tiêu hóa thức ăn. Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, kết hợp vận động để ruột sớm hoạt động trở lại bình thường.

Đối với trường hợp bệnh nhân có biểu hiện liệt ruột nghiêm trọng, người bệnh có thể phải đặt ống thông mũi dạ dày để tạm thời đưa thức ăn thừa ra ngoài và đưa dinh dưỡng, thuốc vào bên trong để khắc phục triệu chứng, thông tắc ruột.

Tóm lại: Trong điều trị liệt ruột thì lựa chọn thuốc và liều điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động của bệnh. Tuy nhiên, vẫn có những tác dụng phụ và biến chứng đi kèm nên cần cân nhắc khi điều trị.

Bài tập cho người liệt ruộtBài tập cho người liệt ruột

SKĐS - Tập luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa liệt ruột. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn bài tập phù hợp để tránh gây áp lực quá mức lên hệ tiêu hóa.


BS Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn