Liệt nửa người (hội chứng liệt nửa người) là giảm hoặc mất vận động hữu ý một tay và một chân cùng bên do tổn thương tháp kèm hay không kèm liệt một hay nhiều dây thần kinh sọ não cùng hay khác bên với bên liệt tay chân.
1. Nguyên nhân gây liệt nửa người
Liệt nửa người do một tổn thương trung ương xâm phạm vào bó tháp, vị trí tổn thương có thể vào các đoạn khác nhau (tổn thương ở vỏ não, bao trong, thân não, phần đầu của tủy cổ). Tổn thương ở mỗi một vị trí sẽ có những đặc điểm lâm sàng riêng cho vị trí đó. Dựa vào những đặc điểm này chúng ta có thể chẩn đoán định khu tổn thương gây liệt nửa người.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng liệt nửa người:
Liệt nửa người xuất hiện đột ngột
- Chấn thương và vết thương sọ não: Chấn thương sọ não có thể gây đụng dập não, các khối máu tụ, phù não... Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính sọ não.
- Tai biến mạch máu não: Bao gồm hai loại là nhồi máu não và xuất huyết não.
- Các nguyên nhân khác: Viêm tắc tĩnh mạch não, co thắt động mạch não sau xuất huyết dưới nhện, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, có thể gặp liệt nửa người trong viêm nội tâm mạc teo đét liên quan đến một vài thể ung thư tiến triển hoặc một số bệnh hệ thống như viêm nội tâm mạc Libman-Sacks trong bệnh lupus ban đỏ.
Liệt nửa người xuất hiện từ từ
- Các khối choán chỗ: Liệt nửa người tiến triển nhanh trong vài tuần thường gặp trong u não ác tính, áp xe não.
- Viêm não bán cấp.
Một số thể tiến triển đặc biệt
- U não ác tính: Có thể tiến triển đột ngột như một tai biến mạch máu não do chảy máu trong u (thể giả tai biến mạch).
- Tắc động mạch cảnh trong: Liệt nửa người có thể tăng dần do lan rộng vùng nhồi máu não hoặc phù não, trường hợp này có thể nhầm với khối u (thể giả u).
- Liệt nửa người thoáng qua: Phần lớn những trường hợp này là tai biến thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Liệt hồi phục trong vòng 24 giờ, nhưng cần khám kỹ, tìm các yếu tố nguy cơ và điều trị dự phòng vì sẽ tái phát tạo thành tai biến mạch máu não thực sự. Có thể gặp liệt nửa người thoáng qua sau một cơn động kinh cục bộ (liệt Todd).

ThS.BS Lê Bá Tuấn - Chuyên ngành Nội thần kinh, Phòng Bảo vệ sức khỏe TW5 (Bệnh viện Hữu Nghị)
2. Dấu hiệu liệt nửa người
Các triệu chứng của liệt nửa người được chia theo 2 trạng thái khi người bệnh tỉnh và khi người bệnh hôn mê:
Khi bệnh nhân tỉnh táo: Liệt nửa người được chia thành 2 thể liệt mềm và liệt cứng.
Liệt mềm bao gồm các triệu chứng:
- Giảm hoặc mất vận động một tay và một chân cùng bên ưu thế cơ duỗi chi trên và cơ gấp chi dưới.
- Thường có liệt nửa mặt trung ương cùng bên với tay chân bị liệt hoặc có thể liệt mặt ngoại biên khác bên. Có thể liệt các dây thần kinh sọ não khác.
- Trương lực cơ giảm bên tay chân bị liệt.
- Phản xạ gân xương giảm hay mất bên tay chân bị liệt, phản xạ da bụng và hay là da bìu (ở nam giới) giảm hoặc mất bên liệt, phản xạ hậu môn giảm hay mất bên liệt.
- Có thể kèm theo rối loạn cảm giác nửa người bên liệt. Dáng đi lê (tay bên liệt buông thõng chân thì quét đất). Khi nằm bàn chân bên liệt đổ ra ngoài.
Liệt cứng bao gồm các biểu hiện:
- Cơ lực bên liệt giảm hay mất.
- Liệt mặt trung ương cùng bên hay liệt mặt ngoại biên khác bên với tay chân bị liệt, có thể liệt dây thần kinh sọ não khác.
- Tăng trương lực cơ bên liệt đưa đến co cứng gấp chi trên các ngón tay khác nắm chặt ngón cái còn chi dưới co cứng duỗi nên khi đi có dáng đi vòng kiềng (phạt cỏ).
- Tăng phản xạ gân xương bên liệt, có phản xạ bệnh lý như Babinski hay tương đương. Phản xạ da bụng, da bìu và phản xạ hậu môn giảm hoặc mất bên liệt.
- Có thể kèm rối loạn cảm giác nửa người bên liệt.
Khi bệnh nhân hôn mê
- Bàn chân bên liệt đổ ra ngoài.
- Có thể quay mắt và đầu về bên tay chân liệt hay về đối bên với tay chân bị liệt.
- Mất cân đối ở mặt như nhân trung lệch về bên lành, má bên liệt phập phồng theo nhịp thở, kích thích đau góc hàm hai bên nếu còn đáp ứng thì chỉ mép bên lành nhếch lên còn bên liệt vẫn giữ nguyên đó là dấu Pierre Marie- Foix.
- Kích thích đau ở tay chân hai bên thì bên liệt hầu như không phản ứng hay phản ứng yếu hơn bên đối diện.
- Phản xạ da bụng, da bìu giảm hay mất bên liệt.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng liệt nửa người như chấn thương sọ não gây đụng dập não, các khối máu tụ, phù não...
3. Liệt nửa người có lây không?
Liệt nửa người không phải là bệnh lý lây truyền.
4. Phòng ngừa liệt nửa người
Hiện chưa có phương pháp để phòng ngừa hoàn toàn tình trạng liệt nửa người. Trong cuộc sống hàng ngày bạn cần thực hiện những phương pháp sau để duy trì lối sống khoa học, nâng cao thể trạng:
- Duy trì tập luyện thể dục thể thao hàng ngày.
- Có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Có chế độ ăn lành mạnh: bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế các đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, uống đủ nước.
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh lý tai biến mạch não như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, rung nhĩ….
5. Điều trị liệt nửa người
Để điều trị liệt nửa người, các bác sĩ cần thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Với mỗi nguyên nhân khác nhau và tình trạng bệnh khác nhau sẽ có phương án điều trị riêng biệt.

Một số trường hợp có xuất hiện tụ máu não hoặc xuất huyết dưới nhện… các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.
Trong giai đoạn cửa sổ thời gian vàng (3-5 giờ đầu), tai biến mạch não có thể được điều trị kịp thời bằng các thuốc tiêu huyết khối hoặc can thiệp lấy huyết khối cơ học giúp người bệnh phục hồi vận động và hạn chế các biến chứng sớm của bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh vào viện ngoài cửa sổ vàng điều trị, một số phương pháp dưới đây thường được sử dụng:
- Nội khoa: Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị liệt nửa người là: thuốc hạ áp và giảm cholesterol, thuốc kháng sinh, chống phù não bằng dung dịch cao phân tử, thuốc chống đông…
- Phẫu thuật: Một số trường hợp có xuất hiện tụ máu não hoặc xuất huyết dưới nhện… các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.
- Vật lý trị liệu: Người bệnh liệt nửa người cần tích cực hoạt động và áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để có kết quả tốt nhất trong quá trình điều trị. Tăng cường tập luyện, hoạt động sẽ giúp cơ thể không bị liệt và giúp người bệnh kiểm soát được sức khỏe của mình. Ngoài ra, việc này cũng giúp người bệnh đề phòng loét da do nằm lâu. Để quá trình vật lý trị liệu đạt hiệu quả tốt nhất, cần tạo cho người bệnh một tâm lý điều trị thoải mái, vững vàng nhất.
Ngoài ra, công tác tư tưởng, động viên người bệnh rất quan trọng. Người bệnh liệt nửa người cần có tinh thần thoải mái yên tâm điều trị bệnh trong một khoảng thời gian khá dài.