Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, đơn vị tiếp nhận 835 trường hợp bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, có 515 ca đột quỵ nhồi máu não, 320 ca đột quỵ xuất huyết não.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ.
Trước đó, bệnh viện nhận tin báo ông N.V.H. (SN 1958, trú xã Bố Trạch, tỉnh Quảng Trị) có dấu hiệu đột quỵ cần hỗ trợ. Cán bộ y tế nhanh chóng có mặt thực hiện sơ cấp cứu và đưa người bệnh tới viện. Tiến hành thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị.
Mới đây, ông Đ.T.P. (SN 1977, trú phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị) có triệu chứng bất thường trong quá trình làm việc và được đồng nghiệp đưa tới bệnh viện. Sau thăm khám, bác sĩ nhận định ông P., bị tắc động mạch não giữa. Bác sĩ chỉ định sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết và kéo huyết khối cơ học để tái thông mạch máu bị tắc.
"Bưng ly nước lên uống thì miệng khó điều khiển, nước chảy nửa trong, nửa ngoài. Đồng nghiệp thấy thế nghĩ ngay tôi bị tai biến nên đưa tới bệnh viện. May rằng chỉ hơn 20 phút đã có mặt tại viện, được thăm khám và chữa trị ngay", anh P. chia sẻ.

Hình ảnh mạch máu não của bệnh nhân bị tắc và huyết khối được lấy ra.
Theo bác sĩ Hoàng Minh Huy, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, đây là 2 trong số những trường hợp bệnh nhân may mắn được đưa tới bệnh viện kịp thời. Từ lúc bệnh nhân khởi phát bệnh đến lúc nhập viện khoảng 30 phút. Đây là khoảng "thời gian vàng" để chỉ định điều trị bằng tiêu sợi huyết. Sau điều trị, hiện những bệnh nhân này được cải thiện, hết tình trạng thất ngôn và có thể vận động, đi lại.
Bác sĩ Nguyễn Đại Việt Đức, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là khoảng thời gian tối ưu tính từ lúc khởi phát triệu chứng đến khi người bệnh được can thiệp điều trị với 2 mốc quan trọng.
Cụ thể, trong 4,5 giờ đầu, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Trong 6 giờ đầu, nếu tắc mạch lớn, bệnh nhân có thể được kéo huyết khối cơ học (can thiệp nội mạch).

Nếu được đưa đến viện trong 'thời gian vàng", bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch hoặc kéo huyết khối cơ học.
Bệnh nhân càng đến sớm, khả năng cứu sống và phục hồi càng cao. Nếu đến muộn, vùng não bị tổn thương khó có thể phục hồi, để lại hậu quả nặng nề hoặc tử vong. Nhưng theo thống kê, chỉ có khoảng 23,5% bệnh nhân được đưa đến viện trước 4,5 giờ và khoảng 32% đến viện trước 6 giờ.
"Qua tiếp nhận và khảo sát cho thấy, nhận thức của người dân về vấn đề đột quỵ còn chưa cao. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh rồi nhưng vẫn để ở nhà, sử dụng các biện pháp như chích máu đầu ngón tay, sử dụng biện pháp dân gian, mẹo truyền miệng... Hậu quả là bệnh nhân được đưa đến muộn, không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, liệt nửa người, để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong. Đây là điều rất đáng tiếc, bởi nếu được đưa đến sớm chỉ vài giờ, cơ hội sống và hồi phục của bệnh nhân là rất cao", bác sĩ Đức chia sẻ.
Bác sĩ Đức cho rằng, cứu chữa bệnh nhân đột quỵ là cuộc chạy đua với thời gian. Mọi người cần nâng cao nhận thức về chứng bệnh này. Nếu có biểu hiện mất thăng bằng; đau đầu dữ dội; một bên mặt bị méo, nhân trung lệch, không cười đều; một bên tay hoặc chân yếu, tê bì, không nhấc lên nổi cùng với nói líu lưỡi, nói không rõ, khó hiểu hoặc không nói được... cần liên hệ cấp cứu nhanh chóng. Cùng với đó người dân cần thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nếu có bệnh để có phương án điều trị.