Hà Nội

Liên tục phát hiện bọ xít hút máu người

01-11-2012 09:56 | Tin nóng y tế
google news

Theo khuyến cáo của cán bộ Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, những hóa chất dùng trong y tế như permethrin 50EC, fendona 10SC, icon 10 WP (nhóm có nguồn gốc từ thực vật - pyrethroid),

(SKDS) - Ngày 27/10, chị Trần Thị Kim Cúc, ở tổ 42, KV 8, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) đang ngồi võng xem tivi thì phát hiện và bắt được con bọ xít hút máu người. Theo quan sát, con bọ xít chị Cúc bắt được lần này cũng đã trưởng thành, bụng đói và có hình dáng, kích cỡ giống hệt những con bọ xít hút máu người mà nhà chị Cúc đã bắt được nhiều lần trước đó.

Theo lời chị Cúc, đây là con bọ xít thứ 3 bắt được trong tháng 10/2012 và là con thứ 6 kể từ ngày 27/8/2012 mà nhà chị Cúc bắt được. Những con bọ xít hút máu người mà nhà chị Cúc bắt được đều chuyển giao cho Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) nghiên cứu.

Bị bọ xít hút máu khi ngủ mà không biết

Sáng ngày 28/10, nghe thông tin nhà chị Cúc bắt được bọ xít hút máu người, chị Thái Thị Sao là hàng xóm đã qua xem và nói, "con bọ xít này giống hệt 2 con bọ xít mà tôi đã bắt được và cắn tôi".

"Cách đây khoảng 1 tháng, buổi sáng sau khi tôi ngủ dậy bỗng thấy bắp chân trái đau nhức. Tôi kéo ống quần lên thì thấy bắp chân sưng tấy và ửng đỏ như quả trứng vịt, chính giữa chỗ sưng tấy có một vết cắn to hơn vết muỗi đốt. Không những vậy, toàn thân còn nổi mẩn đỏ như mề đay, ngứa ngáy rất khó chịu. Tôi đi tắm nhưng vẫn không hết ngứa. Sau 3 ngày xoa dầu, uống thuốc thì vết cắn mới xẹp xuống và hết ngứa" - chị Sao cho biết.

Chị Sao cũng cho biết thêm, ngay trong buổi sáng hôm bị bọ xít cắn, chị Sao đã vào giũ chăn, màn, đệm và phát hiện có con bọ xít giống y như con bọ xít hút máu người ở nhà chị Cúc bắt được nhưng do không xem báo nên không biết. Sau đó, chị lấy dép đập chết nó. Khoảng nửa tháng sau khi bị bọ xít cắn, chị Sao cũng đã phát hiện và bắt được một con bọ xít thứ hai y như vậy tại nền nhà của mình.

Bọ xít hút máu người phát tán trên diện rộng

Đầu tháng 9/2012, đoàn cán bộ Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã xuống nhà chị Cúc điều tra và phát hiện ổ bọ xít hút máu người nằm trong tủ quần áo trong góc nhà và bắt 5 con bọ xít, trong đó có 3 con trưởng thành và 2 con mới lớn. Đoàn đã phun hóa chất bao vây ổ bọ xít.

Sau khi xét nghiệm nghiên cứu, TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã xác định rằng: "Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, những con bọ xít hút máu người mới được người dân phát hiện tại TP. Quy Nhơn đều thuộc giống Triatoma Laporte 1832. Những con bọ xít mới phát hiện này giống hệt những con bọ xít hút máu người từng phát hiện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2010. Giống bọ xít này có nguồn gốc Nam Mỹ nhưng các nhà khoa học xác định là đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm di cư thông qua đường du lịch".

 Bọ xít hút máu người mà chị Cúc bắt được cùng loại với những trường hợp phát hiện ở các địa phương khác.

ThS. Hồ Việt Hiếu - nghiên cứu viên Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn giải thích với gia đình chị Cúc rằng: "Loài bọ xít hút máu người này còn gây buồn ngủ, nó có tuổi thọ rất lâu từ 1 - 2 năm, đặc biệt trong vòng 20 ngày không cho ăn uống bất cứ thứ gì thì nó vẫn sống được. Loài bọ xít này không những hút máu người mà nó còn hút máu cả chuột, các loài động vật sống gần nó, kể cả chích hút trái cây khi đói".

Như vậy, không riêng gì ở TP. Quy Nhơn, trung tuần tháng 10/2012, người dân cũng đã phát hiện và bắt được những con bọ xít hút máu người ở Huế, TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, bọ xít hút máu người đã phát tán trên diện rộng ở nước ta.

Theo khuyến cáo của cán bộ Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, những hóa chất dùng trong y tế như permethrin 50EC, fendona 10SC, icon 10 WP (nhóm có nguồn gốc từ thực vật - pyrethroid), liều 30mg nguyên chất/m2 có thể phun trong và xung quanh nhà giống như phun diệt muỗi để tiêu diệt loại bọ xít này.

Ngày 28/10, TS. Nguyễn Xuân Quang cho biết, trong những ngày tới, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn sẽ tổ chức đoàn điều tra, khảo sát cụ thể khu vực dân cư xem có phát hiện ra những ổ bọ xít hay không, sau đó để có hướng xử lý. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe người dân nên mắc màn cẩn thận khi đi ngủ; dùng đèn pin rọi xung quanh nếu phát hiện thì bắt chúng nhằm hạn chế tình trạng bọ xít chích hút máu. Bên cạnh đó, nhà cửa thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng không cho bọ xít ẩn nấp, đẻ trứng nở ra tạo thành ổ...".

Bài, ảnh: Thúy Kiều


Ý kiến của bạn