Theo Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thu Thư, Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Hà Đông, bệnh nhân bị hóc xương khi đến viện thường mắc các tổn thương ở mức độ khác nhau và cách thức điều trị cũng tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Đối với trường hợp bệnh nhân bị hóc xương thông thường, nếu ở mức tổn thương nhẹ, xương cắm vùng họng, sẽ tiến hành nội soi gắp ra.
Trường hợp ca bệnh nặng hơn, xương mắc dưới thực quản, lồng ngực, bệnh nhân đến điều trị muộn khi đã áp xe vùng trung thất, tổn thương thực quản. Lúc này cần tiến hành gây mê, mổ nội soi, điều trị cần nhiều thời gian hơn, bệnh nhân không tự ăn được mà phải xông dạ dày, chỉ định kháng sinh liều cao.
Hình ảnh dị vật là xương mà các bác sĩ đã lấy ra thành công.
Không nên chữa mẹo khi hóc xương
Xuất phát từ thói quen ăn uống của người Việt Nam, thích ăn uống tụ họp, nhậu nhẹt, nói chuyện tán gẫu trong bữa ăn, cộng thêm thói quen thích uống rượu, gặm xương... đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tai nạn hóc dị vật qua đường ăn uống, điển hình là hóc xương cá, gà, vịt, heo… thường gặp tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng.
Các bác sĩ cho biết, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp, bệnh nhân rất chủ quan, nghĩ hóc xương là chuyện nhỏ, tự chữa mẹo bằng các phương pháp truyền miệng, không có cơ sở khoa học nên dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như áp xe, ngưng tim, thậm chí tử vong. Chỉ một sơ suất trong ăn uống, cộng thêm với sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người bệnh có thể gây nên những hiểm họa khôn lường.
Qua đó, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thư cũng đưa ra khuyến cáo để tránh bị hóc dị vật khi ăn uống, người dân nên tập trung, chú ý khi ăn, không cười đùa, đùa giỡn, vừa ăn vừa làm việc. Trong trường hợp không may bị hóc xương không nên chữa mẹo, không khạc nhổ gây tổn thương cổ họng, thực quản, mà cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để xử lý kịp thời.