Một ngày phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ
Vào tối 8/10, Sở Y tế TP HCM đã báo cáo tình hình mới nhất về đậu mùa khỉ cùng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đến UBND TP HCM.
Theo đó, trong ngày 6/10, TP HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.
Các trường hợp đậu mùa khỉ đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi. Sở Y tế TPHCM đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống sáng 9/10 về nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ có lây lan ra cộng đồng hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho rằng với những ca bệnh này, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hay không.
"Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng..."- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan.
Về phía người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo không nên hoang mang, cần đề cao biện pháp phòng bệnh, dự phòng cá nhân.
"Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam (MSM), người song giới (bisexual), người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su... Cùng đó bệnh này có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này còn lây theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết. Do vậy, người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ thì cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách ly, tránh lây cho người khác"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu đặc biệt nhấn mạnh: Các biện pháp phòng dịch cơ bản, phòng dịch lây từ giọt bắn là đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, rửa sạch các vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ em… để “một mũi tên phòng được nhiều mục đích, nhiều bệnh” như COVID-19, cúm, tay chân miệng… “Ban đầu, các nước cũng rộ lên vấn đề tiêm vaccine và dự trữ vaccine. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề vaccine không còn “nóng” nữa. Theo tôi đánh giá, Việt Nam cũng không phải là nước lưu hành dịch đậu mùa khỉ và đánh giá nguy cơ bùng dịch không cao… Do vậy, về rủi ro và lợi ích, thời điểm này, chúng ta chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vaccine và người dân cần chủ động thực hiện phòng, chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục chia sẻ thông tin với quốc tế để có những biện pháp phòng, chống dịch, đánh giá đúng và đáp ứng đúng nguy cơ”, PGS.TS Phu nhấn mạnh và cho biết thêm tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa qua đã xếp đậu mùa khỉ là bệnh nhóm B.
Tập huấn các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ
Liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ, mới đây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 26/9 đã có văn bản gửi Viện Pasteur TP HCM; Sở Y tế TP HCM; Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế Bình Dương về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương quan tâm chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động, cụ thể:
Đối với Sở Y tế TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Cục Y tế dự phòng lưu ý cần chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ nêu trên để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; Thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống không để người dân hoang mang lo lắng không cần thiết.
Cùng đó tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với Viện Pasteur TP HCM, Cục Y tế dự phòng đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời về chuyên môn, kỹ thuật các địa phương (lưu ý TP HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương) trong công tác giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và khoanh vùng xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.