Bác sĩ trung ương làm thay đổi chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em ở huyện vùng cao
BVĐK huyện Mường Khương- Lào Cai là một trong những BV đầu tiên ở tuyến huyện được đón nhận 3 nữ bác sĩ nội trú trẻ Hoàng Phương Thanh, Nguyễn Hương Giang và Đặng Thị Cẩm Băng của BV Nhi Trung ương đến “3 cùng” – cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc ngay tại BV trong thời gian liên tục 2 tháng.
Trước đó, thực hiện Đề án 585- đưa bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa công tác của Bộ Y tế, BV Nhi Trung ương đã cử nữ bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Loan về làm việc liên tục 2 năm liền tại BVĐK huyện Mường Khương.
3 bác sĩ nội trú giỏi của BV Nhi Trung ương sẽ làm việc liên tục trong 2 tháng tại BV Đa khoa huyện Mường Khương.
Buổi chiều ở Mường Khương, nắng hanh vàng nhưng gió vẫn mang đến chút se lạnh. Trung tâm thị trấn huyện không nườm nượp người như dưới xuôi, nhưng khuôn viên BVĐK Mường Khương vẫn thường xuyên có người nhà bệnh nhân/bệnh nhân vào ra.
Ấy vậy mà trên gương mặt của 3 nữ bác sĩ trẻ lần đầu tiên đặt chân đến Mường Khương và sẽ tạm rời xa thủ đô, xa gia đình, xa khuôn viên làm việc quen thuộc của BV Nhi Trung ương để “cắm huyện” 2 tháng liên tục vẫn tràn ngập nụ cười vì “chúng em còn trẻ, chúng em cũng cần có những trải nghiệm thực tiễn. Và, chúng em là bác sĩ thì nhiệm vụ vẫn là thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân nhi, nên làm việc ở môi trường nào dù thuận lợi hay khó khăn, chúng em cũng phải đặt nhiệm vụ ấy lên trước và đều phải cố gắng”- một nữ bác sĩ đã chia sẻ với tôi như vậy.
BS Phạm Hồng Việt, Giám đốc BVĐK Mường Khương cho biết, trung bình mỗi ngày khoảng 40 - 50 trẻ đến khám. Số điều trị nội trú luôn duy trì mức cao gần ngang số trẻ đến khám. Ngoài nhân lực của BV, từ khi có BS Loan về “cắm chốt”, công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em trên địa bàn của BVĐK Mường Khương đã có những thay đổi, bởi BS Loan đã cùng với các y bác sĩ của Khoa thực hiện và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như: Đặt nội khí quản sơ sinh; cấp cứu ngừng tuần hoàn xử lý sốc giảm thể tích; nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh; tham mưu triển khai xét nghiệm đông máu cơ bản tại bệnh viện; thành lập phòng khám Chuyên khoa Nhi tại khoa Khám bệnh...
BS nội trú của BV Nhi Trung ương về "cắm chốt" tại BVĐK huyện Mường Khương đang thăm khám cho trẻ em xã La Pan Tẩn
“Nhờ có bác sĩ Loan nhiều ca bệnh trước đây vốn phải chuyển tuyến đã được điều trị khỏi bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn cần có sự hỗ trợ thêm của BV Nhi Trung ương về nhân lực, chuyên môn để trình độ chuyên môn và tay nghề của bác sĩ của BVĐK Mường Khương được nâng lên, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn nâng lên”- BS Phạm Hồng Việt nói
Vừa hỗ trợ nhân lực trực tiếp và đào tạo thêm chuyên môn từ xa
Phát biểu tại“Hội nghị triển khai dự án đào tạo, chăm sóc sức khỏe ban đầu về Nhi khoa” và bàn giao 3 bác sĩ trẻ cho BVĐK huyện Mường Khương, GS.TS Lê Thanh Hải- giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ, làm sao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở phải mang tính bền vững, nhằm giúp người bệnh, đặc biệt là các em nhỏ được chăm sóc sức khỏe tốt ngay tại địa phương, không phải vượt tuyến, thì việc đưa bác sĩ của BV Nhi TW về “3 cùng” tại BVĐK huyện Mường Khương là rất cần thiết.
"Đoạn đường mấy chục cây số từ Mường Khương đến TP Lào Cai để chuyển được một bệnh nhi bệnh nặng, trong tình trạng cấp cứu đã là rất khó khăn, nếu để chuyển về đến Hà Nội còn căng thẳng bội phần, đe dọa tính mạng người bệnh trên đường chuyển viện. Vì thế, chúng tôi đặt mục tiêu và quyết tâm sẽ phối hợp để hỗ trợ, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tốt ngay tại Mường Khương, giúp các em được chăm sóc sức khỏe như tuyến Trung ương"- GS. TS Lê Thanh Hải khẳng định.
BS nội trú của BV Nhi Trung ương về "cắm chốt" tại BVĐK huyện Mường Khương đang thăm khám cho trẻ em xã La Pan Tẩn
Do đó, cùng với việc tăng cường nhân lực chuyên môn cho BVĐK Mường Khương, BV Nhi Trung ương đã hỗ trợ BVĐK Mường Khương lắp đặt một phòng trực tuyến kết nối với BV Nhi TW để các chuyên gia của BV Nhi TW sẵn sàng hỗ trợ từ xa trong trường hợp cần thiết. Theo đó, mỗi ngày sẽ có 1 chuyên gia của BV Nhi TW giảng bài chuyên môn theo từng chủ đề vào một khung giờ nhất định cho các bác sĩ của BVĐK Mường Khương.
Chia sẻ với các bác sĩ trẻ lần đầu đến cơ sở nhận nhiệm vụ, Giám đốc Lê Thanh Hải bảo rằng ông không giao việc cho các bác sĩ làm gì to tát mà chỉ mong muốn 3 bác sĩ “cắm huyện” đợt đầu tiên của BV Nhi Trung ương phát huy những kiến thức đã học, những kinh nghiệm thực tiễn đã làm trong thời gian qua, giúp công tác chẩn đoán, xử trí ban đầu cho bệnh nhi tại BVĐK Mường Khương thật tốt, sau đó điều trị hoặc chuyển tuyến nhằm đảm bảo an toàn người bệnh.
“Chúng tôi luôn bên cạnh các bạn, do vậy mỗi khi cần hỗ trợ chuyên môn hãy kết nối tại phòng trực tuyến về BV Nhi Trung ương. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng các bạn có thể tự làm mình trưởng thành hơn qua mỗi ca bệnh”- GS.TS Lê Thanh Hải nói
BV Nhi Trung ương sẽ mở rộng mô hình đưa bác sĩ về “cắm” huyện
GS.TS Lê Thanh Hải cũng cho hay, không chỉ Mường Khương mà bản thân ông và nhiều thầy thuốc của BV Nhi Trung ương đã đến khám chữa bệnh tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đã nhận thấy cần phải làm nhiều việc để hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
BS nội trú của BV Nhi Trung ương về "cắm chốt" tại BVĐK huyện Mường Khương đang thăm khám cho trẻ em xã La Pan Tẩn
Vì thế, BV Nhi Trung ương đã tập trung công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện tích cực đề án 1816, đề án BV vệ tinh và đề án 585 bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức vừa đào tạo vừa chuyển giao để bác sĩ tuyến dưới không phải vât vả lên tuyến trên học tập về chuyên môn mà được học và làm ngay tại BV của mình
Riêng với mô hình đưa bác sĩ của BV Nhi Trung ương về “3 cùng” tại y tế tuyến huyện, sau đợt đầu tại BVĐK Mường Khương thành công và kéo dài liên tục trong 2 năm, BV Nhi Trung ương sẽ mở rộng ra các BV huyện khác của không chỉ tỉnh Lào Cai, mà tiến tới là các tính như Thanh Hóa, Nghệ An để làm sao giúp người dân được hưởng chất lượng khám TW ngay tại địa phương...