Liên tiếp xử phạt vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng

31-05-2015 08:54 | Thời sự
google news

SKĐS - 2 Công ty vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vừa bị Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế xử phạt 35 triệu đồng.

TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định xử phạt đối với 2 Công ty vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt 35 triệu đồng.

Đó là công ty xuất nhập khẩu và phân phối H&H (tại 169 Bùi Thị Xuân, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng - thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cleanse Wonder trên website beautymedi.vn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Công ty TNHH Meldossol Việt Nam (số 32, ngõ 243, phố Nam Dư, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) hành vi vi phạm hành chính quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Keo Ong Meldossol Brazil có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở nêu trên dừng ngay hành vi vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, thu hồi tờ rơi quảng cáo vi phạm; đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 22/5, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cũng đã ký ban hành 6 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 Công ty vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu là hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và quảng cáo thực phẩm chức năng mà không được Cục An toàn thực phẩm xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Sản xuất và bán ra thị trường phụ gia thực phẩm Kali Clorua khi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đã hết hiệu lực.… với tổng số tiền phạt 200 triệu đồng.

Từ thực tế việc xử phạt của cơ quan chức năng cho thấy, có hai trường hợp vi phạm mà các công ty sản xuất, kinh doanh dược, thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng nói riêng thường hay mắc phải. Một là quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung. Thứ hai là quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Ví như một sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, khi Cục An toàn thực phẩm xác nhận thẩm định công dụng như đã công bố, thế nhưng khi quảng cáo thực tế thì lại được thêm hàng loạt công dụng khác, giống như thần dược . Đó là sai quy định và đương nhiên sẽ bị xử phạt.

Thái Bình

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn