Liên tiếp trong thời gian qua, tại nhiều địa phương trong nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các bếp ăn của các khu công nghiệp, khu chế xuất… Thực trạng này theo đánh giá của cơ quan chức năng có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và là thách thức cho công tác đảm bảo ATTP hiện nay.
Tăng quy mô ngộ độc tại các bếp ăn tập thể
Theo Cục An toàn thực phẩm - trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra từ 20 - 22 vụ ngộ độc. Thời gian qua, số lượng các vụ ngộ độc tập thể không tăng mạnh nhưng lại tăng về quy mô ở các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Liên tục từ đầu tháng 10 đến nay, tại nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh, Ninh Thuận… đã xảy ra một số vụ ngộ độc bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.
Diễn tập cấp cứu ngộ độc thực phẩm tập thể. Ảnh: Trần Lâm
Điển hình như vụ ngộ độc ở Công ty may DHA tại Lương Tài - Bắc Ninh trong tuần qua khiến 360 công nhân phải nhập viện vì sau bữa ăn trưa bỗng… xuất hiện các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy cấp nhiều lần) kèm theo đau bụng, buồn nôn, không sốt. Theo TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, bước đầu, cơ quan chức năng xác minh cho thấy thức ăn nghi ngờ gây ra vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người mắc ở Công ty may DHA là món cá mối khô chiên. Bước đầu xác định do độc tố của vi sinh vật. “Chúng tôi đang nghi ngờ quy trình chế biến chưa phù hợp, thức ăn được nấu không chín kỹ. Cục đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh Bắc Ninh gửi mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây ngộ độc”, TS Hùng cho hay.
Trước đó, tại Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, nhiều công nhân đã bị khó thở, đau bụng, nôn mửa, huyết áp hạ thấp, người mê man… sau khi sử dụng nước uống đóng chai, suất cơm hộp của một hộ dân bán cho công nhân ăn sáng. Hay vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Kỳ Phong (khu phố Bình Giao, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) khiến hàng chục công nhân phải nhập viện cấp cứu. Hay vụ ngộ độc khiến 33 học sinh trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Bà Rịa Vũng Tàu) phải nhập viện điều trị sau khi ăn sáng tại căng tin của trường.
Xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, doanh nghiệp xử lý thế nào?
TS. Lâm Quốc Hùng cho rằng, ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể thường diễn ra đột ngột với số lượng mắc lớn do số lượng người cùng ăn đông, ít gây tử vong nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, dư luận xã hội.
An toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể luôn là vấn đề được các ngành chức năng quan tâm. Ảnh: Trần Lâm
Thực phẩm sử dụng tại bếp ăn tập thể thường là thực phẩm hỗn hợp, do vậy, việc xác định thức ăn nguyên nhân và căn nguyên gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể thường được chẩn đoán bằng lâm sàng và dịch tễ học. Trong những năm qua, công tác điều tra, xử lý, khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm tại các địa phương đã được triển khai tích cực, góp phần khống chế, giảm thiểu ảnh hưởng của các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là tại bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tế, một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm chính là công tác tổ chức. Vậy khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, doanh nghiệp sẽ xử lý thế nào?
Vấn đề này đã được Cục ATTP thể hiện trong buổi diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam năm 2014 vào sáng ngày 22/10 tại Nam Định. Lấy bối cảnh một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại một doanh nghiệp, Cục ATTP đã xây dựng một quy trình chuẩn từng bước xử lý vấn đề...
Nội dung buổi diễn tập xoay quanh kịch bản giả định một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Công ty Sumi Việt Nam sau bữa ăn tối ngày 21/10, sáng 22/10, từ 9h sáng có 30 công nhân có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi... Theo đó, một quy trình xử lý nhanh chóng được đưa ra với đầy đủ các bước từ việc lãnh đạo Công ty Sumi Việt Nam báo cáo Chi cục ATVSTP Nam Định, việc xử lý sơ cấp cứu tại chỗ cho người bị ngộ độc, thông báo tới công nhân và người lao động...
Theo TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, mục đích buổi diễn tập hướng đến doanh nghiệp làm sao để doanh nghiệp ý thức được vấn đề phòng chống ngộ độc thực phẩm tập thể, đồng thời khi xảy ra ngộ độc cần xử lý các bước như thế nào. Cũng theo ông Trung, với kinh nghiệm cuộc diễn tập này, Cục ATTP sẽ phối hợp với Sở Y tế, Chi cục ATVSTP TP. Hồ Chí Minh tổ chức diễn tập tương tự tại TP. Hồ Chí Minh cho 31 tỉnh, thành phố phía Nam trung tuần tháng 11/2014.
Nguyễn Hoàng - Trần Lâm