Hà Nội

Liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc nấm

07-07-2012 13:07 | Tin nóng y tế
google news

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm nên có rất nhiều loại nấm phát triển, trong đó có nhiều loại chứa độc tố gây chết người. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La...,

(SKDS) -  Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm nên có rất nhiều loại nấm phát triển, trong đó có nhiều loại chứa độc tố gây chết người. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La..., nấm là một món ăn ngon, bổ dưỡng và là những vị thuốc quý của đồng bào dân tộc nhưng vì thiếu hiểu biết và chỉ dựa vào thói quen nên bà con rất dễ nhầm lẫn nấm độc và nấm ăn được gây hậu quả xấu cho sức khoẻ và tính mạng con người.

Tử vong vì nấm độc

Bác sĩ Hà Trung Dũng - Phụ trách khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân là Phạm Đình Thanh (sinh năm 1958), Đỗ Thị Vinh (sinh năm 1960) và Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1985), đều cư trú tại khu phố I, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, Lai Châu với chẩn đoán ban đầu do ngộ độc nấm độc. Được biết, gia đình bà Vinh có mua nấm ngoài chợ về nấu và chỉ có 3 người ăn.
 
Sau đó hơn 1 giờ, các thành viên trong gia đình có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ngay sau khi có biểu hiện trên, người nhà đã đưa 3 người vào TTYT huyện Than Uyên rửa dạ dày và ngày hôm sau chuyển lên BVĐK tỉnh tiếp tục điều trị. Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, các bệnh nhân trên đã được ra viện trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Sau đó ít ngày, BVĐK tỉnh Lai Châu lại tiếp nhận 3 bệnh nhân có tên: Tẩn Phủ Vàng (63 tuổi), Tẩn Láo Tả (11 tuổi), Tẩn Láo Tả (8 tuổi) là người dân tộc Dao ở bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ cũng trong tình trạng bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Người nhà bệnh nhân Tẩn Phủ Vàng kể lại: 5 ngày trước, hai ông cháu Tẩn Phủ Vàng và Tẩn Láo Tả (8 tuổi) đi chăn trâu, ngủ ở trên lán gần rừng và có hái nấm về nấu ăn. Cháu Tẩn Láo Tả (11 tuổi) ghé vào lán cùng ăn với hai ông cháu. Khoảng 19h, cả 3 bệnh nhân có hiện tượng đau bụng, nôn mửa. 3 bệnh nhân được chuyển đến TTYT huyện Phong Thổ và nhập viện tại BVĐK tỉnh Lai Châu. Hai cháu bé ngộ độc nặng nên đã tử vong, bệnh nhân Tẩn Phủ Vàng đang trong tình trạng suy gan, thận.

 Bệnh nhân Tẩn Phủ Vàng đang được cấp cứu tại BVĐK tỉnh Lai Châu.

Khó phân biệt nếu thiếu

kiến thức

Biện pháp phòng tránh ngộ độc do các loại nấm

“Khi thu hái các loại nấm trong tự nhiên về làm thức ăn thì chỉ những người có kinh nghiệm và hiểu biết rõ về nấm mới được thu hái. Không cho phép trẻ em và những người không hiểu biết về nấm đi thu hái nấm rừng về làm thức ăn; Các loại nấm khi mua ở chợ phải kiểm tra thật kỹ xem có đồng nhất về chủng loại và màu sắc. Nhất thiết phải loại bỏ các loại nấm lạ, nấm có màu sắc sặc sỡ, thân nấm bị mốc, thịt nấm có màu khác lạ và có hiện tượng phát quang. Sau khi ăn nấm, nếu có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đi ngoài ra máu thì phải nghĩ ngay là đã ăn phải nấm độc, cần phải có các biện pháp gây nôn nhanh chóng và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời rửa ruột và có các biện pháp cấp cứu kịp thời” - Theo BS. Hà Trung Dũng - BVĐK Lai Châu.

Lai Châu là tỉnh miền núi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tương đối thuận lợi cho các loại nấm phát triển, do vậy, cứ bước vào mùa mưa, số lượng người dân vào rừng hái nấm để cải thiện bữa ăn đồng thời tăng thu nhập cho gia đình cũng khá phát triển. Anh Giàng A Khua (bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng) cho biết “Gia đình tôi năm nào cũng vào rừng hái nấm khi mùa mưa về, hôm nào lấy được nhiều thì bán đi một phần, còn lại thì đem phơi khô để đến Tết mới đem bán vì khi đó giá sẽ cao hơn”. Khi được hỏi để phân biệt nấm độc với nấm không độc, anh cho biết: “Tôi và nhiều người chỉ lấy nấm theo kinh nghiệm của cha ông truyền lại, loại nấm nào có nhiều màu sắc sặc sỡ thì không lấy”.
 
Dạo quanh chợ Đoàn Kết, chợ San Thàng, thị xã Lai Châu những ngày cuối tuần, chúng tôi mới thấy được các mặt hàng nấm phong phú và đa dạng với nhiều loại nấm khác nhau như nấm hương, nấm rơm, mộc nhĩ... Khi được hỏi về cách nhận biết các loại nấm, chị Nguyễn Thị Huyền (xã San Thàng) đang mua nấm cho biết: “Thường thì mình tìm mua các loại nấm theo kinh nghiệm và hỏi qua người khác chứ cũng không tìm hiểu kỹ về các loại nấm”.
 
Khác với chị Huyền, chị Nguyễn Thị Hằng (tổ 11, phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu) thì cho biết: “ Bản thân tôi và gia đình luôn tìm hiểu kỹ về các loại nấm trước khi mua và sử dụng, đồng thời qua tìm hiểu trên mạng, tôi cũng biết có nhiều trường hợp bị ngộ độc do nấm nên tôi rất cẩn thận khi mua các loại nấm cũng như rau rừng của bà con”. Thiết nghĩ nếu ai cũng như chị Hằng luôn tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ các loại nấm cũng như các loại thực phẩm khác trong sinh hoạt hàng ngày thì sẽ hạn chế các trường hợp ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra gây nguy hại cho sức khoẻ và tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trong tự nhiên, có rất nhiều chủng loại nấm, trong đó có không ít nấm có thể làm thức ăn bổ dưỡng và cũng là những vị thuốc quý như nấm sò, nấm trứng, nấm hương, nấm linh chi..., song bên cạnh đó, cũng có nhiều loại nấm chứa hàm lượng độc tố cao có thể cướp đi tính mạng của con người nếu chúng ta ăn phải các loại nấm độc. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cho mọi người, nhất là đồng bào các dân tộc cách nhận biết các loại nấm độc mọc hoang dã trong rừng là một việc làm mang tính cấp bách nhằm đảm bảo sức khoẻ và tính mạng của chính mỗi người chúng ta.

Bài và ảnh:  Thái Sơn


Ý kiến của bạn