Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm
Tối ngày 7/12, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) cùng lúc tiếp nhận 40 học sinh vào viện với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn sau khi ăn tối tại một nhà hàng. Các bệnh nhân này đều là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu.
Sau khi nhập viện, qua đánh giá ban đầu, các trường hợp được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Các bác sĩ đã truyền dịch chống độc, giảm co cho những bệnh nhi này. Một trong số các học sinh cho biết đã cùng các bạn ăn canh, ăn đùi gà, ăn sườn, ăn ngô, sau khi ăn thì bị đau bụng buồn nôn.
Rất may các cháu đều ổn định sau đó, 37 cháu đã ra viện trong đêm qua, đến sáng 8/12, những học sinh khác đều cũng được ra viện sau khi bác sĩ thăm khám ổn định. Lãnh đạo huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương lẫy mẫu thực phẩm xác định nguyên nhân vụ việc.
Trước đó tại Tây Ninh, Tiền Giang cũng đã xảy ra một số trường hợp trẻ bị ngộ độc khi ăn sáng quanh khu vực nhà trường.
Và, hẳn chúng ta đều chưa thể nào quên vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với 665 người ở Trường Ischool Nha Trang, trong đó có 389 người nhập viện điều trị, 1 học sinh tử vong. Những người bị ngộ độc đều có ăn bữa ăn trưa tại trường vào ngày 17/11, trong khoảng thời gian từ 10 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút.
Theo báo cáo của Đội điều tra ngộ độc thực phẩm TP. Nha Trang (Khánh Hòa) thì bếp ăn ở Trường ISchool Nha Trang qua kiểm tra cho thấy thực hiện đủ các quy định về đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo lời khai của người giám sát và nhân viên bếp, nguyên liệu cánh gà được nhập vào chiều 16/11. Sau khi nhập hàng, thực phẩm (là cánh gà) để nguyên thùng trên bàn trong khu vực bếp đến sáng ngày hôm sau thì chế biến món ăn.
Khoảng 7h30 - 8h sáng 17/11, mở thùng nguyên liệu thấy cánh gà chưa rã đông, nhân viên bếp ngâm trực tiếp thực phẩm trong thau nước để rã đông, sau đó luộc sơ rồi chiên.
Việc thực phẩm chưa rã đông hoàn toàn, nấu chưa chín kỹ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật trong thức ăn phát triển gây nhiễm khuẩn thức ăn.
Trước đó, kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm lấy từ Trường ISchool Nha Trang của Viện Pasteur Nha Trang cũng đã phát hiện vi khuẩn Salmonella spp; vi khuẩn Bacillus cereus; vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên. Đồng thời vi khuẩn Bacillus cereus cũng được phát hiện trong mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus có trong cánh gà và nước mắm là chủng sinh độc tố lý giải hồng cầu và độc tố ruột không lý giải hồng cầu.
"Bệnh vào từ miệng"- làm sao để mỗi người không còn là nạn nhân của thực phẩm "bẩn"?
Từ những thông tin kết luận ban đầu vụ việc ở iSchool Nha Trang có thể thấy nguy cơ thực phẩm bẩn ngày càng tấn công vào trường học, bếp ăn tập thể một cách tinh vi và rất khó để phát hiện bằng mắt thường. Không ai dám chắc mỗi bữa ăn hàng ngày của học sinh, cán bộ công nhân viên, người lao động ở các bếp ăn tập thể đều đang an toàn.
Và, còn cả bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình liệu đã thực sự an toàn? Theo báo cáo công tác y tế tháng 10 của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến ngày 17/10, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm làm 581 người mắc, 11 trường hợp tử vong. Nếu tính cả tháng 11 thì chắc chắc con số này sẽ tăng lên cả về số vụ ngộ độc, số người mắc và trường hợp tử vong.
Cứ mỗi dịp cuối năm, vấn đề thực phẩm "bẩn" lại được cảnh báo, ra quân thanh kiểm tra, đẩy mạnh truy quét… Thế nhưng, thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn nhức nhối năm này qua năm khác, là mối đe dọa thường trực của bất cứ ai, bất cứ gia đình nào. Và câu nói "bệnh từ miệng vào" vẫn luôn không sai nhất là khi cứ vào cuối năm liên tiếp nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, sản xuất... thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm "bẩn" đã được phát hiện, nhưng dường như đó mới chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm"...
Tết Nguyên đán 2023 đang ngày một đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân sẽ tăng lên, trong khi thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt - đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Liệu sẽ có vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm nào sẽ xảy ra tiếp nữa? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ và việc quyết tận gốc nỗi lo này là một việc không hề dễ!
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm; Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Theo kế hoạch, đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, sẽ có 6 đoàn của TW đi kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố; các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.