Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung, cản trở nhà báo khi tác nghiệp: Nỗi lo của người cầm bút

26-09-2016 07:39 | Pháp luật

SKĐS - Trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ việc hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp, dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận.

Trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ việc hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp, dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận. Đáng nói, số vụ việc các nhà báo bị hành hung ngày càng gia tăng, trong khi tỷ lệ vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn lại rất khiêm tốn. Phải chăng chưa đủ chế tài, hay cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm?

Hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp... rồi xin lỗi?!

Mới đây nhất, vào sáng ngày 23/9, khi đang tìm hiểu về trường hợp một người đàn ông hành nghề lái taxi tử vong tại cầu Nhật Tân (Hà Nội), nhà báo Trần Quang Thế của báo Tuổi trẻ TP.HCM đã bị một nhóm thanh niên tới gây gổ và hành hung. Cụ thể, khi đến địa điểm tác nghiệp, nhà báo Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân cùng đồng nghiệp các báo đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc. Nhà báo Quang Thế cho biết khi anh chụp ảnh thì có một công an ngăn cản. Anh đã trình các giấy tờ liên quan khi tác nghiệp, sau đó tiếp tục chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an huyện Đông Anh, Hà Nội mặc thường phục lao vào hành hung, liên tiếp đấm đá vào mặt và người khiến nhà báo Quang Thế bị chảy máu miệng, bị thương vùng đầu.

hanh hung nha baoNhà báo Quang Thế (áo trắng) bị hành hung khi đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân.

Liên quan đến vụ việc này, chiều ngày 23/9, Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã trực tiếp đến làm việc với Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ TP.HCM tại Hà Nội. Thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có thái độ không đúng. Đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng. Đây là sự việc rất đáng tiếc và ông thay mặt đơn vị xin lỗi cá nhân nhà báo Trần Quang Thế và xin lỗi báo Tuổi Trẻ TP.HCM.

Trước đó, vào sáng ngày 21/9, phóng viên Đỗ Thanh Hải (báo điện tử VTC News), cùng một số phóng viên đến xã Cư Kpô, huyện Krông Búk (Đăk Lăk) để theo dõi vụ cưỡng chế lấy mặt bằng xây dựng Nhà văn hóa thôn Nam Tân. Khi phóng viên Hải gặp ông Nguyễn Viết Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kpô, để xin phép tác nghiệp thì ông Mùi dùng loa cầm tay, lớn tiếng gọi công an xã đến kiểm tra, thu máy ảnh của anh Hải. Lập tức, gần 10 công an viên và dân quân xã rượt đuổi, xô anh Hải ra ngoài, áp sát giằng lấy máy ảnh của phóng viên này khiến máy ảnh bị hỏng một số bộ phận. Chiều cùng ngày, UBND xã Cư Kpô đã tổ chức xin lỗi anh Hải về hành vi cản trở quá đà của lực lượng chức năng khi anh tác nghiệp.

Cần điều tra và xử lý ở mức nghiêm nhất

Về vụ việc nhà báo Trần Quang Thế bị hành hung, cản trở khi tác nghiệp, ngày 24/9, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) đã có công văn gửi Công an TP. Hà Nội đề nghị xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm cán bộ công an đã hành hung nhà báo Quang Thế - báo Tuổi trẻ TP.HCM trên cầu Nhật Tân. Theo ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra HNBVN cho biết, qua những thông tin HNBVN có được thì đây là một sự việc đáng tiếc khi những cán bộ đang thi hành công vụ lại có hành vi không đúng với những phóng viên, nhà báo cũng là những người đang thực hiện nhiệm vụ phục vụ lợi ích chung là đưa thông tin đến người dân. HNBVN đề nghị Công an TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh làm rõ, xử lý nghiêm minh và trả lời trước công luận. Đây là bài học cần được xử lý nghiêm để bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của các phóng viên, nhà báo.

hanh hung nha baoCác công an viên và dân quân vây chặt anh Hải (áo đen) để giật các phương tiện tác nghiệp.

Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP. Hà Nội, sau khi nắm được thông tin vụ việc, Công an TP. Hà Nội đã giao Văn phòng Cơ quan điều tra (PC44) vào cuộc làm rõ. Theo đó, PC44 đã làm việc với Công an huyện Đông Anh để nghe báo cáo về vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân cũng như xác định những người tham gia hành hung nhà báo Quang Thế, ai vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đấy. “Tới đây cũng cần xem lại cách phối hợp trong việc nhà báo tác nghiệp với việc công an làm nhiệm vụ để vì mục đích chung chứ không để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy” - Thiếu tướng Khương cho biết.

Liên quan đến đến vụ việc trên, theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo là vi phạm pháp luật về báo chí, đặc biệt hơn những người vi phạm lại là lực lượng công an, lực lượng duy trì và bảo vệ trật tự xã hội thì khó có thể chấp nhận. Những người có thẩm quyền cần sớm xác minh, điều tra và xử lý ở mức độ nghiêm nhất để hiện tượng cản trở và hành hung nhà báo không còn tiếp diễn.

Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có quy định chi tiết, cụ thể về hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Cụ thể, phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Trong trường hợp uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.


Hải Phong
Ý kiến của bạn